Bộ máy mới của Quốc hội sau tinh gọn

06/02/2025 16:47 GMT+7

Sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban, giảm 2 ủy ban so với hiện nay.

Chiều 6.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 42, cho ý kiến các dự án luật, nghị quyết về tổ chức, bộ máy của Quốc hội thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường thứ 9 khai mạc sáng 12.2 tới.

Bộ máy mới của Quốc hội sau tinh gọn- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo các vấn đề lớn trong các dự thảo luật, nghị quyết liên quan tổ chức bộ máy Quốc hội sau tinh gọn

ẢNH: GIA HÂN

Cụ thể là dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội và 3 dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Báo cáo tóm tắt các vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các cơ quan của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban, giảm 2 ủy ban so với hiện nay.

7 ủy ban gồm: Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế - Tài chính; Ủy ban Văn hóa - Xã hội; Ủy ban Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại; Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường; Ủy ban Dân nguyện - Giám sát; Ủy ban Công tác đại biểu.

Bộ máy mới của Quốc hội sau tinh gọn

Đây là phương án sắp xếp, tinh gọn đã được T.Ư Đảng thông qua tại Hội nghị T.Ư hôm 23 - 24.1 vừa qua. Theo đó, kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng - An ninh - Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao. Đồng thời, đổi tên Ủy ban Quốc phòng - An ninh thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh - Đối ngoại.

Sáp nhập Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp thành Ủy ban Pháp luật - Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế - Tài chính; Ủy ban Xã hội - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa - Xã hội.

Cùng đó, đổi tên và nâng cấp 2 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội; Ban Công tác đại biểu thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.

Bộ máy mới của Quốc hội sau tinh gọn- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Bỏ chức danh ủy viên thường trực, chuyên trách, Ban Thư ký Quốc hội

Về cơ cấu Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, dự thảo luật Tổ chức Quốc hội cũng đã bỏ các quy định về ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách hiện nay. Theo đó, cơ cấu Hội đồng Dân tộc và các ủy ban chỉ còn: chủ tịch, các phó chủ tịch, chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và các ủy viên.

Các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban sẽ là thành viên thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Một điểm mới nữa là dự thảo luật quy định Hội đồng Dân tộc và các ủy ban Quốc hội có đơn vị giúp việc. Theo dự kiến, các vụ chuyên môn giúp việc đang thuộc cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội sẽ được chuyển tương ứng về các Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Dự thảo luật cũng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của đơn vị giúp việc của Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội; quyết định biên chế và quy định chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ công chức giúp việc cho Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.

Dự thảo luật cũng bỏ Ban Thư ký Quốc hội, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội đang được quy định tại luật hiện hành. Đồng thời, dự luật quy định rõ Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bộ máy mới của Quốc hội sau tinh gọn- Ảnh 3.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

ẢNH: GIA HÂN

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và các ủy ban Quốc hội

Nêu ý kiến tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về hoạt động của vụ chuyên môn giúp việc cho Hội đồng Dân tộc và các ủy ban Quốc hội, nhất là các nội dung liên quan tới tài chính kế toán và công tác nhân sự.

Một số ý kiến đề xuất các vụ chuyên môn chỉ giúp việc cho Hội đồng Dân tộc và các ủy ban về chuyên môn, còn chế độ chính sách, cán bộ, tài chính, kế toán vẫn giữ như hiện nay, tức để Văn phòng Quốc hội thực hiện.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm thì đề xuất tiến hành các công tác về tài chính, nhân sự theo cơ chế phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các ủy ban.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lại cho rằng "vẫn nên giữ nguyên như trước đây". Theo Chủ tịch Quốc hội, các vụ chuyên môn giúp việc Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, còn công tác hậu cần, nhân sự thì Văn phòng Quốc hội và các ủy ban phải "song trùng phối hợp" vì công việc này các ủy ban không có người làm.

Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các ủy ban để xử lý vấn đề này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.