Bố mẹ cãi nhau ảnh hưởng đến con trẻ như thế nào?

13/04/2017 15:01 GMT+7

Những em bé mới sáu tháng tuổi khi chứng kiến bố mẹ chúng cãi nhau công khai đã có nhịp tim tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của những người lạ.

Con trẻ sẽ bị xáo trộn tâm lý nếu chứng kiến những cảnh cãi nhau triền miên và đầy thù địch của bố mẹ, theo Telegraph.
Thậm chí, một nghiên cứu do Đại học York (Canada) thực hiện đã khám phá ra sự thật rằng con cái của các cặp vợ chồng ly dị bị những cuộc cãi vã làm tổn thương nhiều hơn cả việc chia tay của bố mẹ. Việc phải chứng kiến bố mẹ cãi nhau trong nhà khiến con trẻ của những gia đình đã ly hôn gia tăng 30% các vấn đề liên quan đến hành vi. 

Nghiên cứu này phát hiện ra rằng những xung đột chưa được giải quyết giữa bố mẹ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sớm của trẻ, cũng như sức khỏe tinh thần và cuộc sống tương lai của chúng. Điều này đúng ngay cả khi các cặp vợ chồng có ly dị hay vẫn sống cùng nhau. Trẻ con cần biết được ba mẹ chúng giải quyết những mâu thuẫn như thế nào để cuộc sống được tiếp diễn trong hòa thuận.
Bố mẹ cần giải quyết càng sớm càng tốt những mâu thuẫn dai dẳng để tạo môi trường sống an vui cho con trẻ Ảnh minh họa: Shutter Stock

Ngoài ra, xung đột đang tiếp diễn giữa bố mẹ có thể đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ, và kể cả kỹ năng xã hội lẫn tình cảm của chúng, hay thành tích học vấn. Các cuộc tranh cãi còn tác động đến khả năng hình thành các mối quan hệ tương lai của trẻ. Không chỉ dừng lại ở đó, mâu thuẫn của bố mẹ có thể gây tổn hại đến sức khỏe thể chất của trẻ, thậm chí kéo dài đến suốt thời điểm trưởng thành, và thế hệ sau đó. 

Tác động trên xảy ra rất sớm. Những em bé mới sáu tháng tuổi khi chứng kiến bố mẹ chúng cãi nhau công khai đã có nhịp tim tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của những người lạ. 

Do đó, bố mẹ cần nhận thức đầy đủ về hậu quả có thể gây ra cho con trẻ từ việc tranh cãi trước mặt chúng. Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo bố mẹ nên thấu hiểu tâm lý xáo trộn của con cái nhằm ngăn chặn những đổ vỡ leo thang, cụ thể là chứng trầm cảm và xu hướng muốn tự tử ở trẻ.

Bình thường, đa phần các cặp vợ chồng đều cho rằng con trẻ chẳng để ý gì đến chuyện tranh cãi của bố mẹ nhưng kỳ thực, chúng rất nhạy cảm và luôn dõi theo mối quan hệ của người lớn. Và nghĩa vụ của bố mẹ là phải giải quyết càng sớm càng tốt những mâu thuẫn dai dẳng trong gia đình để con trẻ được thật sự vui sống trong mái ấm của mình.

tin liên quan

Những điều cần biết về hội chứng 'trái tim tan vỡ'
Phụ nữ thường dễ bị tác động về tình cảm, cảm xúc hơn nam giới. Đây là nguyên nhân tại sao hội chứng 'trái tim tan vỡ" (broken heart syndrome) thường xuất hiện ở nữ giới sau những kích thích mạnh về tình cảm và tâm lý.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.