Bố mẹ không đăng ký kết hôn phải xét nghiệm ADN khi khai sinh cho con

02/04/2017 14:18 GMT+7

Một phụ huynh tại Hà Nội phản ánh, tháng 2.2016 chị ra phường làm giấy khai sinh cho con, tuy nhiên cán bộ tư pháp yêu cầu chị phải cung cấp giấy xét nghiệm ADN của cha đứa bé.

Phụ huynh tên G. phản ánh với Báo Thanh Niên: “Vì không muốn ràng buộc hôn nhân nên tôi không đăng ký kết hôn. Người con đầu tiên của tôi sinh năm 2004 làm giấy khai sinh rất dễ dàng. Đến cháu bé thứ 2 này thì thủ tục phức tạp hơn".
Tôi sinh con tháng 12.2015, đến tháng 2.2016 đi làm giấy khai sinh cho con thì họ nói vợ chồng tôi không có giấy đăng ký kết hôn, phải có xét nghiệm ADN chứng minh người đàn ông kia là cha đẻ của con tôi, nếu không có ADN, giấy khai sinh sẽ ghi là cha nuôi. Chúng tôi đi làm ADN, mất hơn 7 triệu đồng chi phí, cũng vì thủ tục này mà con tôi mãi mới có giấy khai sinh.
Nếu những trường hợp có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ sẽ lấy tiền đâu để đi làm xét nghiệm ADN?”.
 
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại một phường của Hà Nội Ảnh Ngọc Thắng
Thạc sĩ, luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng luật sư An Phát Phạm cho biết:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15.11.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Hộ tịch, việc đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ, nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Khoản 1 Điều 25 của luật Hộ tịch cũng quy định: Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con, các bên phải có mặt.”
Cũng theo luật sư Phất, về chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con được hướng dẫn tại Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16.11.2015 của Bộ Tư pháp như sau:
Điều 11. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
"Như vậy, người mẹ có thể vận dụng quy định nêu trên để đăng ký khai sinh cho con kết hợp với việc nhận cha cho con”, luật sư Phất tư vấn.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ cho người dân trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật (Ảnh minh họa) Ảnh Ngọc Thắng
Theo luật sư Phạm Văn Phất, trong trường hợp trên, giấy xét nghiệm ADN chính là “Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con”.
“Tuy nhiên, nếu không có văn bản này, thì người mẹ có thể đưa ra thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng”, luật sư Phất tư vấn, đồng thời phân tích: “Nếu cán bộ hộ tịch một mực bắt người dân phải mang giấy xét nghiệm ADN đến mà không giải thích cho người dân có thể mang thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất 2 người thân thích của cha, mẹ làm chứng thì cán bộ hộ tịch đã làm không đúng”.
Thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng nào chứng minh được quan hệ cha con?
Một bà mẹ ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội thắc mắc với Thanh Niên: “Vậy thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng nào chứng minh được quan hệ cha con? Một đoạn clip thân mật của chúng tôi có thể chứng minh người đàn ông kia là cha của con tôi hay không?”.
Bà Trần Thị Thanh Tuyết, cán bộ Phòng tư pháp phường Nghĩa Tân cho biết, không có quy định cụ thể về các vật dụng này. Do đó, văn bản cam đoan, người làm chứng rất quan trọng. Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Theo bà Trần Thị Thanh Tuyết, thời gian gần đây có một số trường hợp đến phường Nghĩa Tân làm giấy khai sinh cho con khi bố mẹ không đăng ký kết hôn. “Khi được cán bộ tư pháp phường hướng dẫn, các trường hợp trên đều chọn phương án đi xét nghiệm ADN, có người đã tìm hiểu luật từ trước và mang kết quả ADN tới”, bà Tuyết cho hay.
Tuy nhiên, theo bà Tuyết, cũng có trường hợp, cha mẹ có đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, con có giấy khai sinh ghi cha mẹ đẻ, song một thời gian chung sống, người cha phát hiện con không giống mình nên đi xét nghiệm ADN và biết đó không phải con đẻ của mình. “Trường hợp này, họ đã đến phường làm thủ tục từ chối quyền làm cha”, bà Tuyết cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.