CON KIỆN CHA MẸ
Cặp vợ chồng già lâm vào cảnh éo le trên là ông Nguyễn Văn Lợi và bà Nguyễn Thị Quy (cùng 84 tuổi, trú thôn 3 Phúc Khê, xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình). Với 8 người con, lẽ ra lúc này, ở tuổi gần đất xa trời, ông bà phải được hưởng an nhàn, được cháu con săn sóc báo hiếu như lẽ thường. Trớ trêu thay, mâu thuẫn gay gắt giữa ông bà cùng 7 người con còn lại và vợ chồng con trai cả đã đưa cả đại gia đình đến cửa tòa án.
Hồi đầu tháng 11.2024, ông Lợi đã phải có mặt tại TAND H.Bố Trạch theo lệnh triệu tập của tòa để tham gia phiên hòa giải lần 1 vì là bị đơn trong vụ án "tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ)" mà tòa này đang thụ lý. Nguyên đơn trong vụ án là ông Nguyễn Văn Thới (59 tuổi, cũng trú thôn 3 Phúc Khê, là con ruột của ông Lợi). Việc hòa giải lần 1 bất thành.
Theo nội dung khởi kiện, nguyên đơn cho rằng mình và vợ là bà Nguyễn Thị Thơi là người sử dụng đất 772,3 m2 tại thửa đất số 551 tờ bản đồ số 28 ở Phúc Khê (Phúc Trạch) dù chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Ông Thới cho biết nguồn gốc thửa đất là do ông và bố (là ông Lợi) cùng nhau khai hoang từ năm 1980. Theo ông Thới, năm 1982, ông lấy bà Thơi và canh tác trên thửa đất đó ổn định, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, trong khi ông Lợi rời khỏi thửa đất, đến làm nhà, sinh sống ở nơi khác. Cũng theo đơn khởi kiện của ông Thới, trong quá trình quản lý sử dụng thửa đất từ đó đến nay ông Lợi không có ý kiến gì, nhưng nay lại tranh chấp đòi lại đất nên ông Thới khởi kiện để TAND xác định, công nhận ông và vợ được QSDĐ với thửa đất nêu trên.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, ông Lợi và những người con còn lại của ông cho biết sự việc hoàn toàn khác. Cụ ông này cho hay thửa đất nêu trên không phải do ông hay ai khai hoang, mà là do bố mẹ ông để lại cho ông từ thời trước. Mấy chục năm qua ông vẫn để vậy và một phần đất cho con trai cả trồng cây mà không suy nghĩ gì vì là cha con với nhau. Cho đến năm 2010 và sau này là năm 2023, khi phát hiện vợ chồng con trai cả gọi các đoàn đo đạc đất nông nghiệp về đo thửa đất để làm thủ tục sở hữu thửa đất, mà không hỏi ý kiến ông, nên ông Lợi đã phản đối, ngăn cản… "Vợ chồng tôi già yếu, không có thu nhập, đau ốm triền miên, 2 vợ chồng nó nhà chỉ cách vài chục mét, không thăm hỏi đã đành còn muốn lấy luôn mảnh đất của ông bà tôi để lại", ông Lợi nói. Vì thế, đầu năm 2024, vợ chồng ông Lợi đã tổ chức họp gia đình với những người con còn lại (không có vợ chồng ông Thới tham gia) và thống nhất việc thu hồi lại thửa đất để con cháu sản xuất, nuôi sống vợ chồng ông.
Ông Nguyễn Úy (93 tuổi, anh ruột ông Lợi) cũng xác nhận thửa đất đang tranh chấp là của bố mẹ 2 ông để lại, các anh em giao cho ông Lợi trông coi, nên việc vợ chồng ông Thới đòi sở hữu là vô lý.
Ngoài ra, tại biên bản hội nghị khu dân cư thôn 3 Phúc Khê diễn ra ngày 3.6.2024 (đóng dấu đỏ của UBND xã), có sự tham gia của ông Lê Văn Hiệu (Phó chủ tịch UBND xã Phúc Trạch) và đông đảo bà con thôn 3 Phúc Khê, ghi rõ: "Hội nghị thống nhất 100% ý kiến thửa đất 551, tờ 28, diện tích 772,3 m2, là do ông bà của ông Nguyễn Văn Lợi khai hoang, để lại, không thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Văn Thới".
HÒA GIẢI BẤT THÀNH
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Văn Hiệu nói rằng trong quá trình xử lý nhiều vụ tranh chấp đất đai ở địa phương, ông chưa bao giờ thấy tình huống nào đáng buồn như trường hợp của bố con ông Lợi và ông Thới.
Theo ông Hiệu, với vai trò, thẩm quyền của địa phương, UBND xã đã 2 lần đứng ra hòa giải tranh chấp giữa hai bên nhưng bất thành do không bên nào chịu nhường bên nào. Ông Hiệu cũng cho biết xã đã cử một đoàn về họp dân ở thôn 3 Phúc Khê để nghe ý kiến của Chi bộ, các cụ cao niên, bà con chòm xóm. "Tất cả những người này đều phát biểu là thửa đất đó của ông Lợi. Từ đó chúng tôi cũng đã cố gắng tiếp tục hòa giải, vừa nói cái lý, vừa nói cái tình, vừa nói đạo làm con… Cũng có ý kiến cho rằng, trong thời gian ông Lợi không làm gì thì đúng là ông Thới có sản xuất nông nghiệp trên thửa đất trên. Giờ cha con với nhau thì chia sẻ đi. Ông bố một nửa, ông con một nửa. Hai bên thống nhất xong, lập biên bản hòa giải thì sẽ ra việc. Hoặc không nữa thì vợ chồng ông Thới đưa cho ông Lợi một số tiền để dưỡng già rồi lấy toàn bộ mảnh đất… Vừa lý vừa tình. Nhưng vợ chồng ông Thới không đồng ý", ông Hiệu thuật lại.
Cũng theo ông Hiệu, trong quá trình xã đang hòa giải thì ông Thới đã làm đơn khởi kiện ra TAND H.Bố Trạch, vụ việc giờ đã vượt quá thẩm quyền xử lý của xã. "Nhưng dù thế, đại diện chính quyền một lần nữa vẫn nêu quan điểm sao cho hai bên được hòa giải. Bởi ra tòa, rồi có thể ai đó sẽ có thửa đất, nhưng tình cha con, tình anh em thì sẽ không bao giờ lấy lại được", ông Hiệu nói.
Bình luận (0)