Bố mẹ ơi đừng ‘bỏ rơi’ con

17/10/2018 15:32 GMT+7

‘Mẹ ơi, mẹ nói chuyện với con đi, mẹ bỏ điện thoại xuống đi mẹ’, câu nói đó nhiều lần trở đi trở lại trong tâm trí chị Mai, khiến người phụ nữ rơi nước mắt vì thương con.

Không làm cố định cho một công ty nào, chị Nguyễn Hiền Mai, 32 tuổi, trú đường Ba Đình, quận 8, TP.HCM nhận hợp đồng với nhiều đơn vị và giải quyết công việc tại nhà. Do đó, trong nhiều thời điểm, đến hạn nộp báo cáo, báo giá… đồng loạt, chị Mai phải làm việc cả buổi tối. Con gái chị Mai 5 tuổi đã quen với việc bố mẹ đều bận rộn nhưng nhiều lúc, bé rất buồn và chạy đến bên mẹ đòi mẹ bế.
“Một hôm, con chạy tới bên tôi đòi bế và bảo, mẹ ơi mẹ nói chuyện với con đi, mẹ bỏ điện thoại xuống đi mẹ, mắt con ngân ngấn nước. Tôi như choàng tỉnh, buông điện thoại ra, tôi ôm lấy con và liên tục xin lỗi con. Tôi luôn nhắc mình buổi tối phải cho con thời gian, để nói chuyện, đọc thơ, vẽ tranh với con… nhưng có lúc chính mình lại quên đi”, chị Mai nói.
Nhịp sống hối hả, cuộc sống hiện đại, guồng quay kiếm tiền khiến nhiều gia đình trẻ rơi vào những nghịch lý họ không hề mong muốn: bố mẹ sinh con ra nhưng thời gian mình ở bên con ít hơn cả ông bà hay người giúp việc; bố có thể mua cho con những bộ đồ đắt tiền, những món ăn ngon, đồ chơi an toàn nhưng không thể dành ra một sáng chủ nhật cho con ra công viên, đi nhà sách; mẹ có thể có hàng giờ lướt Facebook hay YouTube xem phim nhưng bỏ ra mỗi ngày nửa tiếng đọc sách cùng con lại rất khó khăn…
Không phải bỏ rơi con theo nghĩa đen, ở ngoài lề đường hay trong bệnh viện như thường thấy, nhưng cách cha mẹ bỏ mặc con tự loay hoay với đồ chơi, iPad, sách vở, cả với những bỡ ngỡ của độ tuổi mới lớn… thì sự tổn thương cha mẹ gây ra cho mỗi đứa trẻ cũng không hề nhỏ.
Một phụ huynh tên P.T.N, 33 tuổi, trú đường Lò Lu, quận 9. TP.HCM, nói: “Nhiều khi thấy mình rất đáng trách, không phải là một ông bố tốt nhưng công việc quá nhiều, áp lực công ty lớn, tôi đã không thể nhẹ nhàng với con khi con làm nũng hay muốn được ôm, thủ thỉ chuyện trò”.
Ở bên mẹ thật hạnh phúc, an yên! Em bé nào cũng muốn mình được ở gần mẹ và những người thân yêu Hữu Luận
Chuyên gia tâm lý Hồng Phương Lan, Công ty Giàu có nội tâm (TP.HCM), chia sẻ nhiều em nhỏ được người thân đưa đến gặp bà với nhiều dấu hiệu của trầm cảm. Bà đã chuyện trò, gỡ rối cho các em và hiểu ra sâu xa nguồn gốc vấn đề, các bạn nhỏ thiếu tình yêu thương của bố mẹ, ông bà, bị bỏ rơi với điện thoại di động và trò chơi điện tử.
Bà Lan kể ra các ví dụ, một cô bé 15 tuổi từng thi bơi lội cấp thành phố và chỉ giành giải nhì, bố cô bé không hề khen ngợi hay động viên con mà luôn trách là con kém người được giải nhất. Trong cuộc sống, bố cô bé cũng chưa bao giờ khen con. Từ đó, cô bé trở thành một con người khác, đặc biệt, cô từ chối đến bể bơi hay tham gia bất kỳ giải bơi nào...
Bà Lan cho rằng, khởi nguồn của mọi vấn đề trong cuộc sống, đều sinh ra từ việc thiếu tình yêu thương, do đó, để con cái trở thành những em bé phát triển bình thường, có nhân cách, đạo đức, bố mẹ hãy dành thời gian để bên con, lắng nghe con nói, ngợi khen con lúc cần, thông cảm cả với những lầm lỗi của con…
Theo bà Lan, nhiều bố mẹ cho rằng họ không dám khen con vì sợ con tự cao, không còn cố gắng, điều này không đúng. Lời khen đúng cách, đúng thời điểm sẽ giúp con thêm tự tin, biết cách phát triển bản thân hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.