‘Bộ nào quản lý cấp Giấy phép lái xe sẽ do Quốc hội quyết định’

11/09/2020 15:03 GMT+7

Đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT chỉ thống nhất đưa nội dung đào tạo sát hạch lái xe sang nội dung của luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, còn bộ nào sẽ quản lý phải chờ Chính phủ, Quốc hội quyết định.

Trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Quốc phòng an ninh hôm 7.9, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Bộ trưởng GTVT đã đồng ý với việc Bộ Công an chủ trì sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT cho biết, trong văn bản gửi Bộ Công an để hoàn thiện dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đối với vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đã thống nhất với Bộ Công an xây dựng thuyết minh 2 phương án theo Nghị quyết 123/NQ-CP, đồng thời thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội phương án 1.
“Bộ GTVT thực hiện đúng Nghị quyết 123 của Chính phủ, là thống nhất đưa nội dung đào tạo sát hạch lái xe sang nội dung của luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Việc cơ quan nào chủ trì quản lý nhà nước về việc này phải chờ Chính phủ và Quốc hội quyết định”, đại diện Bộ GTVT cho biết.
Trước đó, dự thảo tờ trình luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã thuyết minh 2 phương án.
Phương án 1: vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Phương án 2: dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Theo Bộ Công an, Bộ GTVT và Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1, đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp các chuẩn mực quốc tế.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho hay trước năm 1995, Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Từ tháng 8.1995, Chính phủ ban hành Nghị định 36/NĐ-CP chuyển toàn bộ lĩnh vực này sang Bộ GTVT.
Tới năm 2001 và năm 2008, Quốc hội ban hành luật Giao thông đường bộ vẫn phân công chức năng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho Bộ GTVT.
“Trải qua 25 năm thực hiện, ngành giao thông từ bộ đến các sở GTVT đã hoàn thiện nội dung đào tạo, sát hạch từ hệ thống giáo trình, cơ sở vật chất các trường đào tạo lái xe, đổi mới GPLX… Việt Nam cũng trình và được Liên Hiệp Quốc công nhận tham gia Công ước Viên”, ông Quyền nói.
Lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, nếu đặt vấn đề chuyển chức năng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an trong điều kiện phân công chức năng nhiệm vụ các bộ, ngành thì có thể chuyển. Song phải xét trên nhiều góc độ, một trong những yếu tố căn cứ quan trọng là tổng kết đánh giá 25 năm thực hiện của ngành giao thông, mặt được và còn tồn tại.
"Cần xem xét chức năng quản lý nhà nước giữa một bên là ngành giám sát quản lý vi phạm là Bộ Công an, và một bên là ngành xây dựng thể chế là Bộ GTVT, đảm bảo tính ổn định, khách quan, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến người dân", ông Quyền nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.