Bộ Ngoại giao nói về thông tin Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ

17/12/2020 16:09 GMT+7

Chiều 17.12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã có những thông tin xung quanh việc Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ.

Thông tin Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ đã được đặt ra với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ này diễn ra chiều nay, 17.12.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện nghiêm túc các cam kết song phương với Mỹ lẫn các cam kết đa phương mà Việt Nam tham gia.
"Đối với Mỹ, Việt Nam đặc biệt coi trọng mối quan hệ thương mại, kinh tế với nước này và luôn duy trì đối thoại, tham vấn để duy trì, hài hoà lợi ích hai bên. Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ trên nguyên tắc cân bằng hài hoà lợi ích", bà Hằng nói, đồng thời nhắc lại "khi có bất kỳ vấn đề phát sinh thì Việt Nam đều tiếp xúc, trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở nhằm tháo gỡ vấn đề".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho hay, sáng cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông tin cụ thể và đầy đủ vấn đề này.
Trước đó, ngày 16.12.2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ (BTC Hoa Kỳ) đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” (sau đây gọi là báo cáo). Theo đó, BTC Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách giám sát gồm 10 nền kinh tế: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.
Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, BTC Hoa Kỳ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.
Các tiêu chí này được lượng hóa cụ thể như thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỉ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Tại báo cáo tháng 12, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam đáp ứng 3 tiêu chí và bị BTC Mỹ xác định là thao túng tiền tệ. Ngoài Việt Nam, còn có Thụy Sỹ cũng bị xác định thao túng tiền tệ.
Về vấn đề này, NHNN khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
NHNN Việt Nam cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.
Đồng thời, NHNN khẳng định tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.