Bổ nhiệm sai quy trình vẫn tồn tại ở một số bộ ngành, địa phương

21/05/2018 11:55 GMT+7

Đây là một trong những nội dung cử tri phản ánh được tổng hợp gửi tới kỳ họp thứ 5 của Quốc hội , vừa khai mạc sáng nay, 21.5.

Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân do ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trình tại phiên khai mạc kỳ họp của Quốc hội sáng 21.5, cho biết từ sau kỳ họp thứ 4, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Các kiến nghị này được chia thành 6 nhóm vấn đề: sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; y tế, giáo dục và đào tạo; quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên và môi trường; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; an ninh, trật tự, an toàn xã hội và quản lý đô thị; kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Về kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, cử tri phản ánh, việc làm trái các quy định về công tác cán bộ, thực hiện bổ nhiệm sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn còn tồn tại ở một số bộ, ngành, địa phương.
Từ đó, cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn đối với việc kiểm tra, rà soát công tác cán bộ trong cả nước; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, công khai để nhân dân biết và giám sát.
Theo ông Mẫn, cử tri và nhân dân hoan nghênh Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư 7 (khóa XII) đã thông qua các nghị quyết quan trọng, nhất là Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. “Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả nghị quyết này để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn tới; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các sai phạm”, ông Mẫn cho biết.
Một số bộ, ngành chưa thực sự quyết tâm cải cách hành chính
Theo ông Mẫn, cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ, nhiều bộ, ngành đã quan tâm thực hiện cải cách và đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện sản xuất kinh doanh, tăng cường tính công khai, minh bạch trong môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành và chính quyền địa phương chưa thực sự quyết tâm cải cách hành chính, hoặc thực hiện còn chậm và kết quả chưa rõ nét.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cũng cho thấy lo lắng, quan ngại của các tầng lớp nhân dân trước tình trạng nông dân “không còn thiết tha” với đồng ruộng, môi trường kinh doanh nông nghiệp chưa hấp dẫn, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, công nghiệp chế biến phát triển chậm; tình trạng sản xuất, lưu thông hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường; buôn lậu qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp; tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây hại cho sức khỏe nhân dân.
Cùng với đó là tình trạng sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh, thuốc chữa bệnh ung thư giả vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây bức xúc; tình trạng người nhà bệnh nhân có hành vi bạo lực đối với bác sĩ, nhân viên y tế.
“Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an, chính quyền các địa phương và các cơ sở y tế khẩn trương có giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh và nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế”, ông Mẫn phản ánh kiến nghị cử tri và nhân dân.
Đáng chú ý, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh về công tác quản lý đất đai của một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch; công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư còn nhiều hạn chế, bất cập, gây bức xúc trong nhân dân; tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất, đầu cơ “đẩy giá” đất tràn lan đang gây bất ổn ở một số địa phương....
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.