Mới đây, tại buổi tọa đàm mang tên “Góc khuất du học Mỹ” do Tổ chức giáo dục IEG tổ chức, hai diễn giả “đình đám” đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm thú vị về quá trình xin học bổng và du học.
Diễn giả thứ nhất là Huỳnh Minh Tuệ, thủ khoa, huy chương bạch kim vòng 1 kỳ thi toán châu Á - Thái Bình Dương năm 2010; giải nhất Olympic toán Hà Nội mở rộng (HOMC) năm 2012; thí sinh đạt điểm PSAT thuộc top 1% số người dự thi trên toàn thế giới năm 2014; năm 2015 là người Việt đầu tiên đạt điểm tuyệt đối 2400/2400 kỳ thi chuẩn hóa đại học Mỹ SAT chỉ trong 1 lần thi; năm 2016, giành học bổng của tỷ phú Mỹ Karsh International Scholarship trị giá 310.000 USD/4 năm tại Đại học Duke, xếp hạng thứ 8 toàn nước Mỹ.
Diễn giả thứ hai là Nguyễn Chí Hiếu, người từng lọt vào top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới (năm 2006); giành học bổng toàn phần các trường Cambridge Tutors College, Đại học Kinh tế London, Đại học Stanford, Đại học Oxford; thủ khoa tốt nghiệp của Trường đại học Kinh tế London và Trường đại học Oxford.
Anh Tuệ chia sẻ: "Để có hồ sơ xin học bổng đẹp, nhiều người tìm mọi cách để có thật nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, "nhờ” người viết bài luận, viết thư giới thiệu thật hay…, nhưng trên thực tế, cái cần nhất vẫn là năng lực thực chất của mỗi học sinh.
Kể câu chuyện của chính bản thân mình, anh Tuệ cho biết: "Với những giải thưởng mà tôi có được, rất nhiều người trong Trường Hà Nội - Amster dam (Tuệ học phổ thông ở trường này - PV) biết đến tên tôi, nhưng thực tế lại ít người biết mặt tôi. Đơn giản bởi vì ngay các hoạt động cộng đồng trong trường, bản thân tôi rất chọn lọc, chỉ tham gia 1 hoặc cùng lắm là 2 hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, đã tham gia hoạt động nào là tôi sẽ làm rất nghiêm túc, làm để có hiệu quả thực sự chứ không phải làm để được nhiều người biết".
tin liên quan
Chia sẻ niềm đam mê bóng bàn, nữ sinh 9X giành học bổng du học MỹViết bài luận chia sẻ về niềm đam mê bóng bàn của mình, Lê Thu Uyên đã giành được học bổng hơn 4 tỉ đồng từ Trường Mount Holyoke College (Mỹ)
Đến khâu phỏng vấn xin cấp học bổng cũng vậy, anh Tuệ cho hay, mỗi khi trả lời phỏng vấn anh đều giằng xé giữa hai điều, trả lời để lấy lòng người phỏng vấn hay thể hiện đúng suy nghĩ của mình, không cần biết người nghe có hài lòng hay không. "Và lần nào cũng vậy, cuối cùng tôi luôn chọn trả lời theo cảm xúc, suy nghĩ vào đúng thời điểm đó, nhiều khi nó khác hoàn toàn với những gì tôi đã chuẩn bị từ trước đó. Cũng vì vậy mà sau mỗi lần trả lời phỏng vấn xong tôi cũng thấy… thất vọng về bản thân. Thế nhưng kết quả đã cho thấy, thái độ của người trả lời ra sao mới là cái người ta quan sát chứ không phải nội dung câu trả lời có làm người ta hài lòng hay không", anh Tuệ chia sẻ.
Quá trình viết bài luận của Tuệ cũng khá thú vị khi anh cho rằng đã viết “chẳng giống ai”, từ cách xưng hô đến bố cục bài luận. Chẳng ai chia bài luận thành 3 phần đánh số thứ tự La Mã nhưng anh Tuệ đã làm điều đó.
"Trong bài luận, lúc thì tôi tự tin “các ngài sẽ không nhầm khi chọn tôi”; khi thì nói như “sếp” người ta, yêu cầu họ nên làm thế này, thế kia; lúc lại như “van xin” hãy chọn tôi vì tôi không có lựa chọn nào khác…. Mẹ tôi không thạo tiếng Anh để đọc được nội dung nhưng nghe tư vấn của các công ty du học thì phản đối rất gay gắt, nói rằng chẳng ai làm như tôi cả. Lần nào phản biện với mẹ, tôi cũng thua, nhưng... vẫn làm theo ý mình”, anh Tuệ dí dỏm kể lại.
Thành công hay thất bại là do mình
Kết lại câu chuyện của mình, anh Tuệ cho rằng, mỗi lần thành công, thất bại trong việc xin học bổng du học kết quả có thể khác nhau, nhưng nguyên nhân chỉ có một, đó là chính mình. Dù thất bại hay thành công thì chính mình là nguyên nhân tạo ra kết quả đó chứ không phải yếu tố khách quan, may rủi nào khác.
Anh Nguyễn Chí Hiếu cũng chia sẻ thêm về quan điểm trên: "Kinh nghiệm của việc đào tạo và hướng dẫn cho hơn 3.000 học sinh mọi lứa tuổi để chuẩn bị du học cho thấy, nền tảng của mỗi cá nhân là điều quan trọng bậc nhất. Trong khi hiện nay, rất nhiều dịch vụ du học có thể lấy chi phí cao để làm cho học sinh một hồ sơ thật đẹp, nhiều gia đình cũng sẵn sàng chi tiền để làm việc đó. Bản thân tôi không bao giờ viết hộ bài luận của học sinh vì lương tâm không cho phép, cũng vì hiểu rằng dù bài luận có trau chuốt đến mấy thì người tuyển dụng cũng sẽ sớm nhận ra tư chất của học sinh đó thực sự là gì. Tương tự, tôi cũng không bao giờ viết thư giới thiệu cho học sinh nào mà tôi không hiểu cặn kẽ về em đó".
|
Anh Hiếu kể về một trường hợp học sinh rất giỏi, đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, hoạt động tình nguyện rất nhiều nhưng bị từ chối của tất cả 20 trường học top đầu ở Mỹ. Lúc đó, bạn ấy và gia đình rất sốc, nhưng sau 2 năm gặp lại, bạn ấy nói rằng đã biết lý do vì sao bị các trường danh tiếng từ chối. Bạn ấy nói trong lúc mình đi luyện thi khắp nơi, lịch học kín đặc thì các bạn không có thành tích thi thố cao nhưng lại giành được học bổng lớn vì các bạn ấy có thời gian để tự tích lũy kiến thức, năng lực. Các bạn ấy không so được về điểm số nhưng tư duy, hiểu biết tốt hơn nhờ đọc sách, nhờ dành thời gian khám phá và hiểu biết về cuộc sống.
"Phỏng vấn, viết bài luận không cần quá trau chuốt về tiếng Anh, họ chấp nhận chúng ta nói chưa đúng về ngữ pháp, phát âm… nhưng điều mà họ quan tâm là chúng ta đang thực sự có gì là của riêng mình", anh Hiếu chia sẻ.
Bình luận (0)