Bộ Nội vụ nói gì về đưa quy định không được nịnh bợ cấp trên vào luật?

10/05/2019 06:43 GMT+7

Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, có thể đưa đề xuất quy định cấm công chức nịnh bợ cấp trên vào nghị định, thông tư hoặc luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi.

Tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ chiều 9.5, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ Nội vụ vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án Văn hóa công vụ. Đề án này được Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ, qua một thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến các địa phương và nhiều bộ, ngành, đến nay đề án đã  được Chính phủ phê duyệt.
“Hiện đã có đề án văn hóa công sở, tới đây sẽ tiếp một bước nữa là văn hóa công vụ. Đây là định hướng hết sức khoa học, trong đó, chúng tôi đã phân định nêu rõ mục đích yêu cầu, phân công một số nội dung cụ thể cho các bộ, ngành", ông Thừa cho biết, và nói thêm: "Đề án công vụ đánh giá hết sức toàn diện trong vấn đề thực thi nhiệm vụ, nhằm giám sát nền công vụ Việt Nam ngày càng đổi mới, hoạt động tốt hơn".
"Ý tưởng ban đầu chỉ nằm trong khuôn khổ khối nhà nước, sau khi lấy ý kiến các ban Đảng, đề nghị áp dụng cho toàn diện hệ thống chính trị. Hiện nay đã có lộ trình thực hiện triển khai trong toàn hệ thống”, ông Thừa cho biết. 
Trước câu hỏi: đề xuất bổ sung quy định văn hóa công vụ, trong đó cấm công chức nịnh bợ cấp trên vào luật Cán bộ, công chức; luật Viên chức sửa đổi liệu có khả thi, ông Thừa cho hay, trong quá trình thảo luận luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi, có một số ý kiến đề nghị đưa vào luật. Bộ Nội vụ đã tiếp thu và đang tính đưa vào một số điều luật. Dự thảo luật đang được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, trong tháng 5 sẽ xem xét, trình Quốc hội vào kỳ họp tới. 

Hà Nội có thể lựa chọn xét tuyển giáo viên

Bày tỏ quan điểm về việc Hà Nội có hơn 2.700 giáo viên hợp đồng lâu năm, trong đó nhiều giáo viên có hợp đồng hơn 20 năm đứng trước nguy cơ bị mất việc khi tham gia kỳ thi tuyển, ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), nêu rõ: “Việc phân cấp để tuyển dụng đối với viên chức được phân định rất rõ, thẩm quyền này thuộc địa phương. Qua theo dõi báo chí có nhiều thông tin về một số giáo viên giảng dạy lâu năm ở Hà Nội có thể không vượt qua kỳ thi tuyển. Quan điểm của Bộ Nội vụ, Hà Nội có thể lựa chọn hình thức thi hay xét tuyển”.

256 giáo viên huyện Sóc Sơn (Hà Nội) kêu cứu trước nguy cơ mất việc ẢNH LÊ DUY

Tuy nhiên, ông Long lưu ý, dù xét tuyển nhưng đầu vào cần phải đảm bảo mặt bằng chung. “Nếu đầu vào không đáp ứng được cần phải xem xét tính công bằng bởi tăng cơ hội cho những người này sẽ làm giảm cơ hội cho người khác. Vì vậy, không riêng Hà Nội mà các địa phương nên xem xét từ nhiều phía, vừa đảm bảo quyền lợi của giáo viên nhưng cũng đảm bảo cơ hội việc làm cho đội ngũ cán bộ trẻ”, ông Long nói.

Trả lời câu hỏi về việc có nên công bố danh tính các cán bộ có con được nâng điểm trong vụ gian lận điểm thi ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Nguyễn Tư Long cho rằng, theo quy định của pháp luật sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đấy.

“Nếu cơ quan chức năng phát hiện ra hành vi của cán bộ có tác động đến việc chạy điểm cho con thì công bố danh tính là đương nhiên. Tuy nhiên, việc công bố danh tính cũng nên cân nhắc nhiều vấn đề có hay không hành vi vi phạm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nhân thân của người đó”, ông Long bày tỏ.

Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1, quy định 4 nội dung. Trong đó có quy định về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với lãnh đạo cấp trên phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.