Bộ Nội vụ trả lời cử tri về lương của ngành công an, quân đội

17/05/2020 15:53 GMT+7

Cử tri TP. Đà Nẵng phản ánh, hiện lương của ngành công an, quân đội có sự chênh lệch khá lớn so với các ngành khác hưởng lương từ ngân sách; trong khi tuổi nghỉ hưu ở 2 ngành này sớm hơn các ngành khác 5 năm.

Gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri Đà Nẵng cho rằng, chênh lệch lương quá lớn không đảm bảo sự công bằng, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại vấn đề này.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Nội vụ cho biết, lực lượng vũ trang (quân đội, công an) là ngành lao động đặc biệt, yêu cầu phải thường xuyên tập trung làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn, thảm họa thiên tai.
Đây cũng là lực lượng phải đóng quân trên các địa bàn khó khăn, phần lớn xa gia đình, sống và sinh hoạt tập thể trong doanh trại. Lực lượng vũ trang phải tiếp xúc với môi trường độc hại, vũ khí, khí tài quân sự, đối diện hiểm nguy.
Lực lượng vũ trang cũng phải “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên”. Trong những trường hợp cần thiết, mệnh lệnh cấp trên chính là mệnh lệnh của quốc gia, dân tộc; mọi quân nhân, công an nhân dân có nghĩa vụ thực thi với trách nhiệm cao nhất, không kể ngày đêm, kể cả hy sinh tính mạng.
Bộ Nội vụ dẫn kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia,...) cho biết, tiền lương của lực lượng vũ trang được thiết kế riêng và cao hơn công chức có cùng trình độ đào tạo, để phù hợp với chế độ làm việc, điều kiện lao động và tính sẵn sàng chiến đấu, hy sinh.
Theo đó, bảng lương hiện hành của lực lượng vũ trang ở nước ta được thiết kế riêng và cao hơn công chức là phù hợp với đặc điểm lao động của quân đội nhân dân, công an nhân dân, và cũng phù hợp với xu hướng của nhiều nước trên thế giới.
Về tuổi nghỉ hưu, luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và luật Công an nhân dân Việt Nam quy định hạn tuổi phục vụ của quân nhân và hạ sĩ quan, sĩ quan công an nhân dân phù hợp với đặc điểm lao động của lực lượng vũ trang.
Theo Bộ Nội vụ, tại khoản 3, mục 2, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị T.Ư 7 khóa XII về “cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” cũng đã xác định: xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Nghị quyết này cũng vẫn giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay.
Tại mục 3, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Hội nghị T.Ư 7 khóa XII về “cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” đã xác định thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.
Thực hiện các nghị quyết trên, các cơ quan ở T.Ư đang triển khai xây dựng các văn bản quy định cụ thể về cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.