Tốn thời gian, tăng chi phí dự án
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn HT Land, đánh giá: Kết quả thẩm định báo cáo khả thi rất quan trọng để tiến hành triển khai xin phép xây dựng của một dự án. Để đến được bước trình hồ sơ thẩm định này lên Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp (DN), đơn vị tư vấn đã quá vất vả với hàng loạt thủ tục pháp lý trước đó ở địa phương như xin chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư, xin quy hoạch 1/500... Đến khi trình hồ sơ ra Bộ Xây dựng, đơn vị tư vấn, DN các tỉnh phải "ăn dầm nằm dề" ngoài Hà Nội, tốn nhiều chi phí và mất rất nhiều thời gian. Nếu hồ sơ chuẩn chỉnh cũng mất ít nhất 9 - 12 tháng mới xong khâu thẩm định nghiên cứu khả thi. Nếu phải chỉnh sửa thì còn mất nhiều thời gian hơn.
"Xong khâu thẩm định báo cáo khả thi, DN mới đủ điều kiện để làm các thủ tục xin phê duyệt PCCC, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, từ đó mới xin được giấy phép xây dựng. Hồ sơ nhanh hay không liên quan đến khâu này. Nút thắt này tháo ra được thì việc cấp phép xây dựng sẽ nhanh hơn, DN có sản phẩm đưa ra ngoài thị trường. Trong lúc thị trường đang trầm lắng, DN đang khó khăn thì việc sớm có sản phẩm để mở bán, có dòng tiền là yếu tố sống còn. Bởi hồ sơ chậm một ngày, chi phí đội lên một ngày", ông Thắng phân trần và nói thêm do là khâu quan trọng và tốn nhiều thời gian, nên chỉ riêng bộ phận pháp lý, công ty đã phải bố trí 5 - 7 người chỉ chuyên "ăn với chạy hồ sơ".
Ông Hoàng Phúc, Tổng giám đốc Tập đoàn Phố Đông, nhấn mạnh: Sở Xây dựng ở các địa phương đều mong muốn và có thể thẩm định báo cáo khả thi nhưng quy định của pháp luật hiện nay đều đổ dồn về Bộ Xây dựng. Một dự án bất động sản, chỉ riêng thủ tục này mất 6 tháng nếu tập trung tối đa nguồn lực để làm. Bởi hồ sơ khi được tiếp nhận không phải được xử lý ngay mà còn bị trả lại, yêu cầu bổ sung nhiều lần với nhiều lý do..., trong đó có những lý do hết sức "trời ơi".
"Pháp lý một dự án như các bậc cầu thang, các bước đi đều phải đi tuần tự, bước này xong mới đến bước khác. Trong khi đó, thẩm định báo cáo khả thi là bước đi đầu tiên để được cấp phép xây dựng. Nếu bước này không xong, các bước sau cũng tắc theo. Mà trong tất cả các bước, bước này tốn rất nhiều thời gian và công sức. Vì thế, cởi trói được bước này thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, thủ tục, chi phí cho DN", ông Phúc nhấn mạnh.
Lãnh đạo một DN bất động sản nhận xét: Thời gian qua khâu thẩm định chưa cải thiện được tình trạng ách tắc, vì khối lượng dự án cần thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và kiểm tra nghiệm thu ở cấp Bộ vẫn rất lớn. Điều này dẫn tới nhiều bất cập như làm chậm thời gian xử lý công việc, gây ra tình trạng ách tắc hồ sơ thủ tục, khiến dự án bị đình trệ, kéo dài thời gian hoàn thành, làm chi phí của dự án tăng cao. Điều này cũng phát sinh cơ chế xin - cho, khiến nền kinh tế chậm phát triển, nhà đầu tư chán nản. "Trên thực tế, tại Bộ Xây dựng, số lượng hằng năm lên tới cả ngàn hồ sơ, trong khi số lượng cán bộ chuyên trách chỉ khoảng 30 người, dẫn đến việc kéo dài thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Thời gian trung bình xử lý hồ sơ trên thực tế từ 60 đến 120 ngày, thậm chí 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, tại luật Xây dựng 2020 quy định về thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi phụ thuộc vào nhóm dự án. Theo đó, đối với dự án nhóm A thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 35 ngày và dự án nhóm B không quá 25 ngày", vị này cho hay.
Bộ "ôm" hết cả đầu vào, đầu ra của dự án
Theo quy định hiện nay tại Nghị định 15/2021, chỉ tính riêng tất cả các dự án nhóm A và dự án án nhóm B có công trình cấp I trên cả nước được chuyển lên Bộ Xây dựng thẩm định, số lượng đã rất lớn, trung bình khoảng 800 - 1.000 hồ sơ mỗi năm. Chưa kể, công tác nghiệm thu các công trình này, theo quy định tại Nghị định số 06/2021 cũng thuộc về cơ quan nhà nước, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng.
Đây là bất cập mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã rất nhiều lần kiến nghị cần sửa đổi để tránh tình trạng tập trung quyền hạn vào cơ quan chuyên môn của Bộ, gây nhiều hệ lụy.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, phân tích: Theo quy định, các dự án cấp I trở lên đều phải đưa ra Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở. Trường hợp các dự án tại những khu vực chưa quy hoạch phân khu thì thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở cũng đều phải do cơ quan chuyên môn ngành xây dựng thẩm định. Đồng nghĩa, thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đưa ra Bộ Xây dựng thì thiết kế xây dựng cũng phải đưa ra ngoài đó. Mặt khác, quy định tại luật Đầu tư yêu cầu những dự án có phạm vi từ 10.000 dân trở lên tại vùng đô thị và trên 10.000 dân ngoài vùng đô thị phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực tế, các dự án trước khi trình lên Thủ tướng thì cũng phải thông qua cơ quan phụ trách chuyên ngành, đó là Bộ Xây dựng.
"Nếu tính trung bình mỗi hộ dân có 4 người thì dự án có 2.500 căn hộ phải trình ra Bộ, nếu tính 5 người/hộ thì dự án 2.000 căn đã phải trình ra đó. Nghĩa là gần như mọi dự án, kể cả dự án nhà ở xã hội cũng phải trình hồ sơ ra Bộ Xây dựng thẩm định. Tính trung bình khoảng 800 - 1.000 hồ sơ/năm, với tổng nguồn nhân lực hơn 300 biên chế ở Bộ hiện nay, chia ra các bộ phận chuyên môn phụ trách, chắc chắn quá tải. Đó là chưa kể Bộ Xây dựng thẩm định đầu vào, còn chịu trách nhiệm duyệt luôn phần hậu kiểm, nghiệm thu công trình, "ôm" luôn cả đầu ra của dự án, làm sao "kham" nổi?", ông Lê Hoàng Châu đặt vấn đề.
Nhìn từ góc độ DN, Chủ tịch HoREA nêu thực trạng: Với việc Bộ Xây dựng phụ trách phê duyệt từ thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng, báo cáo khả thi cho tới nghiệm thu, mỗi DN khi phát triển dự án sẽ phải "chạy" về đây tối thiểu 4 lần. Cùng với đó, không chỉ phải trình lên Bộ Xây dựng, những dự án nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) phải thỏa thuận cao độ, tĩnh không thông qua Cục Tác chiến của Bộ Quốc phòng, thẩm duyệt công tác PCCC ở Cục Cảnh sát PCCC… Đó là lý do vì sao vẫn tồn tại rất nhiều những dự án đầu tư để hoàn chỉnh được cấp giấy phép xây dựng thì phải mất tới 9 tháng - 1 năm làm thủ tục pháp lý.
"Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021 lần này cần nhanh chóng hoàn thiện trên tinh thần quán triệt triệt để việc phân cấp, phân quyền về địa phương. Đơn cử, giao việc thẩm định nghiên cứu khả thi của các dự án từ cấp I trở xuống về địa phương; cho phép xã hội hóa công tác nghiệm thu, công nhận kết quả nghiệm thu từ các đơn vị tư vấn độc lập mà không cần chuyển lại ra Bộ phê duyệt… Đồng thời, sửa đồng bộ luật Đầu tư, nâng quy định khống chế các dự án 10.000 hộ dân phải trình ra Bộ… Cần tích hợp quy hoạch xây dựng vào luật Quy hoạch đô thị nông thôn, xây dựng lại luật Xây dựng để có được hệ thống pháp lý đồng bộ, thông suốt", ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Nếu thực hiện tốt phân cấp, phân quyền cho địa phương thì sẽ có rất ít các dự án phải trình ra Bộ, ra T.Ư. Như vậy vừa đúng với chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa giúp các dự án tháo gỡ nhiêu khê, bất cập, giảm thời gian phê duyệt thủ tục pháp lý, đồng thời cũng giảm tải khối lượng công việc cho các cơ quan chuyên ngành của Chính phủ.
Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)
Bình luận (0)