Bộ yoni nằm ngay trước ngôi miếu Quảng Tế, gần khu vực khôi phục lò gốm của người dân làng cổ Phước Tích, xung quanh cây cối, cỏ mọc um tùm. Đây là bộ yoni (biểu trưng cho bộ phận sinh dục nữ) có kích cỡ nhỏ (cao khoảng 70 cm, rộng 60 cm, dài khoảng 70 cm) gồm ba tầng hoàn chỉnh rất đẹp. Bên trên bộ yoni còn có hai khối đá hình cầu. Sau bộ yoni chừng vài bước chân còn có những cột đá, bậc cấp bằng đá..., dấu vết của một công trình kiến trúc Chăm.
Chính người dân làng cổ Phước Tích cũng không biết vì sao bộ yoni này lại nằm ngay trước ngôi miếu Quảng Tế, một ngôi miếu do người Việt xây dựng. Ông Lê Ngọc Thuận, một người con của làng cổ Phước Tích, cho biết những bậc cao niên trong làng kể ngôi miếu do một bà hoàng của triều Nguyễn xây dựng nhưng cụ thể tên tuổi của người này thì người dân không biết. Lý do xây dựng miếu là bà hoàng bị ốm nặng, chữa mãi không khỏi, nhưng sau khi ra đây cầu khấn thì lành bệnh nên cho xây ngôi miếu để thờ. Còn ông Lê Trọng Diễn (một người dân làng cổ Phước Tích) cho rằng, đó là ngôi miếu thờ nữ thần. “Quảng Tế” có nghĩa là giúp đỡ, phổ độ rộng rãi. Cũng theo ông Diễn, yoni có trước, tượng trưng cho phái nữ nên sau khi người Việt đến sinh sống ở vùng đất này đã xây dựng thêm miếu nữ thần để thờ. Cũng chính nhờ có ngôi miếu mà bộ yoni đã được gìn giữ qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử.
Bỏ quên di sản Chăm: Huyền thoại Thành Lồi
Thành Lồi là một thành cổ độc đáo của Vương quốc Chămpa, gắn liền
với nhiều huyền thoại, hiện còn tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế). Di tích vừa
được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế cho biết, qua nghiên cứu của ông, làng cổ Phước Tích là nơi mà người Chăm rút đi muộn so với các làng trong khu vực. Theo lịch sử, làng Phước Tích thành lập vào năm 1470, trùng với thời điểm diễn ra cuộc nam chinh của vua Lê Thánh Tôn (1470 - 1471), trong khi các làng bên cạnh như Mỹ Xuyên ra đời sớm hơn khoảng 40 năm. Điều này cho thấy, sau khi vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân (1306) và thu nhận hai châu Ô, Rí, nhà Trần đã có chính sách mềm mỏng, hòa hợp hơn với người Chăm. Thời gian này người Việt di dân vào và vẫn chung sống hòa thuận với người Chăm. Cho đến thời vua Lê Thánh Tôn, với cuộc nam chinh quy mô lớn cùng nhiều chính sách cứng rắn hơn, người Chăm ở đây mới bắt đầu rút đi. Minh chứng cho điều này, là cùng với bộ yoni, tại cây bàng trước nhà thờ họ Hồ còn có dấu vết của những bức phù điêu bằng đá được chạm khắc dở dang, tấm đá hình lá đề làm bức màn của một ngôi tháp cổ đã bị xóa sổ. Chính do người Chăm ở làng Phước Tích rời đi muộn hơn nên mới để lại những hiện vật dở dang.
Hiện vật chăm ở chùa ưu điềm
Tại làng Ưu Điềm (cũng thuộc xã Phong Hòa) hiện cũng còn nhiều hiện vật Chăm rất độc đáo. Chùa Ưu Điềm trước đây người dân địa phương gọi là chùa Phật Lồi, do chùa được xây dựng trên cơ sở của một công trình kiến trúc Chămpa bị đổ nát, trong đó có tượng nữ thần Chăm, nên dân gian gọi là Bà Lồi, hay Phật Lồi.
Hiện chùa có 13 hiện vật điêu khắc Chămpa, trong đó gồm 2 mảnh bệ được tạo tác hình vuông, hai cấp; một yoni hình vuông (đã bị vỡ), cạnh 1,1 m, vòi nhô ra 0,36 m, dày 0,23 m; một linga hình khối, chia hai phần, phần dưới hình bát giác, phần trên hình trụ tròn; 6 trụ cột đá, tạo dáng hình vuông hoặc bán nguyệt, trên có hoa văn trang trí hình khuyên, hình bát giác; một bệ và tượng tạo tác hình khối, bị vỡ phần tượng, bốn mặt bệ khắc tạc hình ảnh vũ nữ ngồi quỳ hầu, sư tử và bông sen; hai tấm tựa, một tấm bị vỡ còn một nửa có hình ảnh lợn lòi, một tấm nguyên vẹn trên mặt khắc hình ảnh hai vị thần cưỡi bò Nandin, bên trái phía trên là hình ảnh vị thần ngồi trên tòa sen, phía dưới là hình ảnh người hầu tay cầm gậy, bên phải phía trên là vị thần cưỡi chim thần Garuđa, phía dưới là vũ nữ cưỡi chim (Thiên Nga)... Đây là những hiện vật có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa.
Ông Trần Lý Thố, một phật tử hiện đang trông coi chùa Ưu Điềm, cho biết trước đây do chiến tranh và ý thức người dân chưa hiểu về di tích, nên một số hiện vật Chăm tại đây đã bị mất mát, hư hỏng. Ví như bức tượng nữ thần đã bị biến dạng qua nhiều “biến cố”. Nguyên tượng được tạc bằng sa thạch, do ý thức bảo quản chưa tốt nên người ta đã cho sơn son thếp vàng. Vào những năm từ 1975 - 1980, kẻ trộm tưởng là bằng vàng thật nên đã đến cưa tay, cưa đầu. May thay, tượng bằng đá nên đám ăn cắp đã bỏ lại, dân làng thỉnh về hàn lại. Nhiều phiến đá cũng đã bị lấy đi để làm vật liệu xây cầu, cống trong các thời kỳ khác nhau...
Hiện tại, để bảo quản những hiện vật này, ban hộ tự đã xây dựng một miếu thờ nhỏ, gom những hiện vật Chăm còn lại của chùa tôn trí vào một khuôn viên bên trái chánh điện. Ngoài việc bảo quản của người dân, cho đến nay chính quyền và các ngành chức năng của địa phương hầu như vẫn chưa có một giải pháp nào để bảo tồn phát huy những giá trị di tích Chăm độc đáo này.
Bình luận (0)