Bỏ quên lợi ích người học

21/09/2016 06:02 GMT+7

Việc thiết kế, sử dụng sách bài tập đi kèm sách giáo khoa như hiện nay là một sự lãng phí lớn trong một đất nước còn nhiều người nghèo.

Nhiều phụ huynh hiện nay kể lại thời họ đi học, thư viện của trường cho học sinh (HS) mượn sách giáo khoa (SGK). HS cũng được giáo dục giữ gìn sách sạch sẽ, cẩn thận để cho các HS khóa sau tiếp tục sử dụng. Cách làm này đã giúp HS và phụ huynh những năm tháng đó không phải lo toan về chi phí cho SGK vào đầu năm học. Số tiền này tuy không quá lớn, nhưng với một gia đình có đông con đi học, từ năm này sang năm khác, vẫn là một gánh nặng. Đó là chưa kể việc chuyển SGK từ HS lớp trước cho lớp sau cũng giúp các em ý thức giữ gìn, trân trọng một cuốn sách; tạo thói quen sống tiết kiệm và nghĩ đến người khác…
Đời sống kinh tế hôm nay đã tốt hơn nhiều nên tất nhiên không còn chuyện “bao cấp” SGK như trước.
Mỗi HS có quyền được hưởng một bộ SGK mới vào đầu mỗi năm học. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều gia đình mà việc mua trọn một bộ SGK cho con cũng là khó khăn. Đừng nói những vùng sâu, vùng xa năm nào cũng thấy phản ảnh trên báo chí rằng HS không đến trường vì không có tiền mua sách vở, ngay ở thành phố lớn cũng có rất nhiều người nghèo với một vài trăm ngàn mua SGK cho con cũng là số tiền lớn.
Với những trường hợp này, nhận được bộ SGK cũ do thư viện trường tặng hoặc cho mượn là một giải pháp tốt. Điều này hoàn toàn thực hiện được, nhưng vấn đề là với việc thiết kế SGK hiện nay, đặc biệt vở bài tập làm ngay trên sách, thì HS có nhận được sách cũ cũng như không. Ngay trong một gia đình, phụ huynh muốn dành SGK từ anh/chị chuyển sang em cũng không thể thực hiện được.
Đó là chưa kể, theo quy định, những loại sách bài tập không nằm trong danh mục SGK bắt buộc, thế nhưng hầu như HS nào ở các tỉnh, thành lớn đều mặc nhiên phải mua để học. Giáo viên cũng không hề cho phụ huynh biết đây là sách không bắt buộc và dù học 2 buổi thì ngày nào HS tiểu học vẫn phải về nhà làm bài tập trong các sách này. Đã vậy, năm nay HS ở các địa phương như TP.HCM lại phải ôm thêm SGK song ngữ mà khi đăng ký mua rồi phụ huynh mới biết đó là sách tham khảo!
Tại sao có những chuyện lãng phí lạ lùng như vậy?
Nguyên hiệu trưởng một trường học tại TP.HCM từng nhìn nhận sách, tài liệu học tập cho HS là một thị trường béo bở mà công ty kinh doanh lĩnh vực giáo dục nào cũng muốn nhảy vào. Cũng vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo sở GD-ĐT hay trường học cứ thay đổi tài liệu học tiếng Anh năm này qua năm khác mà không cần quan tâm đến ý kiến hay quyền lợi của HS, phụ huynh hay giáo viên.
Do đó, giới lãnh đạo, quản lý giáo dục cần công tâm, đặt quyền lợi của HS lên hàng đầu, chứ không phải vì nhóm lợi ích thì khi đó phụ huynh, HS mới bớt khổ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.