Sáng nay 17.5, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo giới thiệu dự án luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 5 khai mạc ngày 22.5 tới đây.
Xác định rõ phạm vi bảo vệ, quản lý
Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), cho biết dự án luật được xây dựng dựa trên 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm: hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự cũng như nội dung quản lý, bảo vệ.
Cùng đó là chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn kho đạn dược... của các công trình quốc phòng và khu quân sự.
Dự án luật cũng quy định việc chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng, khu quân sự; cùng đó là chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và địa bàn khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự.
Chia sẻ về kết quả thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, cho biết cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 21 (tháng 3) cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật.
Một số ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể hơn về tác động của 4 nhóm chính sách tại dự án luật.
Ông Thuận cũng phản ánh, có ý kiến cho rằng, công trình quốc phòng, khu quân sự phần lớn gắn liền với đất đai. Tuy nhiên, thực tế công trình quốc phòng và khu quân sự đang bị lấn chiếm, tranh chấp còn xảy ra ở một số địa phương, trong khi việc giải quyết gặp nhiều vướng mắc, tiến độ xử lý chậm, dễ có nguy cơ trở thành điểm nóng về an ninh, trật tự.
Do đó, các ý kiến này cho rằng việc xác định khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn kho đạn, bán kính an toàn của các công trình quốc phòng và khu quân sự cần tính toán kỹ lưỡng, rõ ràng; đồng thời, có giải pháp hiệu quả giải quyết các tranh chấp do lịch sử để lại một cách bài bản, trên cơ sở quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng.
Bài học từ vụ Đồng Tâm
Trả lời báo chí về hướng giải quyết các tranh chấp đất đai tại công trình quốc phòng, khu quân sự tại dự án luật, thiếu tướng Lưu Quang Vụ cho biết, hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự trong cả nước có nhiều chỗ xen kẽ khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư hiện hữu. Nhiều nơi có tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, chồng lấn.
Tuy nhiên, hiện nay Bộ Quốc phòng đã có toàn bộ số liệu đất quốc phòng, bao gồm cả số bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm hay cấp chồng sổ đỏ.
"Báo cáo các đồng chí, có chỗ cấp chồng 3 sổ đỏ; tức là một chỗ mà của một đơn vị quân đội và 2 cá nhân, tổ chức nữa. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã có thống kê toàn bộ số diện tích bị cấp chồng, bị tranh chấp, lấn chiếm và đã có phương án đề nghị xử lý", ông Vụ thông tin.
Theo thiếu tướng Vụ, phương án Bộ Quốc phòng đưa ra bao gồm: thứ nhất, giữ lại để sử dụng cho mục đích Quốc phòng, Nhà nước sẽ bỏ tiền ra đền bù, giải tỏa.
Trường hợp thứ 2 là sẽ bàn giao lại cho địa phương ở những khu vực Bộ Quốc phòng không có nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng, ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội.
"Hiện, chúng tôi đã có diện tích cụ thể trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố, từng tỉnh, từng huyện, và của từng đơn vị trong quân đội; số tiền để xử lý bao nhiêu và đề xuất phân kỳ trong nhiệm kỳ là bao nhiêu. Phương án cũng đã được Thường vụ Quân ủy T.Ư đồng ý và chúng tôi tiếp tục làm việc với các địa phương để giải quyết.
Đây là phương án xử lý được đưa ra từ bài học Đồng Tâm (vụ sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, H.Mỹ Đức, Hà Nội), bài học một số vị trí khác mà phóng viên đã nêu", ông Vụ cho biết, nhấn mạnh các tranh chấp chủ yếu là tranh chấp, chồng lấn về đất đai, còn công trình Quốc phòng, khu quân sự thì không có tranh chấp.
Nói thêm vấn đề này, thiếu tướng Trần Đức Thuận cũng cho biết các tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn đã tồn đọng từ trước, như vụ Đồng Tâm.
Tinh thần xây dựng luật nói chung, không chỉ luật này đều cố gắng để giải quyết vướng mắc bất cập. Nếu luật này cũng nghiên cứu các chế định để giải quyết tranh chấp này thì rất tốt. "Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các chế định, góp phần cho các cơ quan, chính quyền địa phương giải quyết tốt các vấn đề tranh chấp", ông Thuận nói.
Tuy nhiên, theo ông Thuận, việc quan tâm thế nào thì phải tính toán thật kỹ, vì khi xảy ra vấn đề tranh chấp thì liên quan nhiều luật khác.
Dự thảo luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều, dự kiến được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10).
Hơn 600 điểm đất quốc phòng có tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng sổ đỏ
Theo Báo cáo số 539 ngày 24.2.2022 về đánh giá tác động chính sách dự án luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự của Bộ Quốc phòng, tình hình vi phạm, xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự ngày càng phức tạp.
Tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng vẫn diễn ra. Điển hình như các vụ việc xảy ra tại Trường bắn TB1 (tỉnh Bắc Giang); Trường bắn TB3 (tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Thuận, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); sân bay Miếu Môn (H.Mỹ Đức, Hà Nội)...
Bộ Quốc phòng cho biết, hiện tại, còn hơn 600 điểm đất quốc phòng liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng chưa giải quyết xong.
Bình luận (0)