Theo Bộ Quốc phòng, thời gian vừa qua, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến việc xây dựng, tổ chức hoạt động công tác phòng không nhân dân chưa được cụ thể hóa.
Nhiều vấn đề phát sinh trên thực tiễn liên quan đến công tác phòng không nhân dân chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, bộc lộ vướng mắc, bất cập.
5 nhóm chính sách lớn
Điển hình, việc huy động các tổ chức, cá nhân (ngoài lực lượng vũ trang) và nhân dân tham gia các hoạt động phòng không nhân dân, như: phục vụ chiến đấu (đào đắp công sự, trận địa, bảo đảm giao thông vận tải, tải đạn, tiếp lương thực, thực phẩm...); khắc phục hậu quả (cứu hỏa, cứu thương, cứu sập khi địch đánh phá vào trận địa phòng không); tham gia công tác quản lý, bảo vệ vùng trời, quan sát, phát hiện, thông báo, báo động phòng không nhân dân... sẽ liên quan quyền con người, quyền công dân.
Mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013, điều này phải được quy định trong văn bản luật.
Ngoài ra, thực tiễn quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (flycam) đặt ra các điều kiện, thủ tục về đầu tư, kinh doanh đối với cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm; điều kiện, tiêu chuẩn cho việc cấp phép bay và hạn chế cấp phép bay. Những yếu tố này cũng cần được điều chỉnh trong luật để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.
Cụ thể hơn, Bộ Quốc phòng cho hay việc khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vào các lĩnh vực đời sống xã hội tương đối phổ biến, đa dạng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm về hoạt động bay.
Ví dụ năm 2019 - 2020, trên các tuyến biên giới phía Tây Nam, Tây Bắc, lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện các phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm. Kết quả điều tra xác định, đây là flycam do các đối tượng buôn lậu bay vào trinh sát lực lượng chống buôn lậu để phục vụ cho việc vận chuyển hàng buôn lậu qua các tuyến biên giới.
Đặc biệt là gần đây, trên các quận nội thành Hà Nội, hệ thống radar thụ động của Cục Tác chiến điện tử (Bộ Quốc phòng) phát hiện từ 3 - 7 phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm mỗi ngày. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng xuống địa bàn trên kiểm tra đều không thu giữ được phương tiện vi phạm.
Từ những vấn đề đã nêu, Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng luật Phòng không nhân dân, với 5 nhóm chính sách lớn, gồm: xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; huy động lực lượng phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực đối với phòng không nhân dân.
Siết chặt quản lý flycam, tàu bay không người lái
Bộ Quốc phòng đề xuất quy định cụ thể về xây dựng lực lượng phòng không nhân dân để đổi mới cơ bản việc xây dựng, phát triển, quản lý và tổ chức lực lượng này trong tình hình mới; bảo đảm tinh gọn về bộ máy chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, phân cấp, phân quyền theo chức năng, nhiệm vụ của từng cấp trong việc xây dựng, tổ chức và quản lý đối với mỗi lực lượng.
Bên cạnh đó, quy định mới sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức; giảm bớt vai trò trung gian của ban chỉ đạo, phù hợp với chủ trương của Đảng về quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động công tác phòng không nhân dân ở các cấp.
Theo đề cương chi tiết dự án luật, lực lượng phòng không nhân dân được điều động từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm. Trong đó, lực lượng nòng cốt là bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên và huy động từ nhân dân.
Công dân nam đủ 18 tuổi đến 45 tuổi, công dân nữ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi, đủ điều kiện về sức khỏe thì được đăng ký, sẵn sàng huy động tham gia lực lượng phòng không nhân dân.
Các trường hợp huy động được xác định theo thời bình và thời chiến. Ở thời bình, việc huy động lực lượng phòng không nhân dân nhằm tham gia bồi dưỡng, luyện tập, diễn tập phòng không nhân dân.
Ở thời chiến, việc huy động lực lượng phòng không nhân dân nhằm trinh sát, quan sát, phát hiện, thông báo, báo động; tổ chức sơ tán, phân tán, phòng tránh, đánh trả địch; chiến đấu, phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả.
Bộ Quốc phòng cũng đề xuất tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động bay của tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ một cách chặt chẽ. Điều này nhằm khích lệ tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sử dụng tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ vào sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ không phép, hết phép, bay quá độ cao, cự ly được phép… phải bị xử lý nghiêm.
Bình luận (0)