Bộ Quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc quấy rối Biển Đông

28/08/2019 07:00 GMT+7

Bộ Quốc phòng Mỹ tố cáo Trung Quốc leo thang hành động cưỡng ép nhằm vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông.

Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc sử dụng “chiến thuật bắt nạt” khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 quay lại cản trở trái phép các hoạt động dầu khí trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. “Bộ Quốc phòng cực kỳ lo ngại về những hành động liên tiếp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Trung Quốc vi phạm trật tự quốc tế dựa trên quy tắc. Gần đây, Trung Quốc lặp lại sự can thiệp cưỡng ép nhằm vào các hoạt động dầu khí từ lâu của Việt Nam tại Biển Đông, mâu thuẫn trực tiếp với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc sẽ kiên định trên con đường phát triển hòa bình”, theo thông cáo đăng trên website Lầu Năm Góc.

Thủ đoạn chèn ép

Lầu Năm Góc cho rằng những hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó toàn bộ các quốc gia lớn nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền, không bị chèn ép và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và luật lệ quốc tế được công nhận. “Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế nếu giữ nguyên chiến thuật bắt nạt. Hành động chèn ép các bên tranh chấp thuộc ASEAN, triển khai hệ thống quân sự tấn công và đòi hỏi yêu sách hàng hải phi pháp làm gia tăng nghiêm trọng sự nghi ngờ về uy tín của Trung Quốc”, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Thông cáo cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về “hàng loạt hành động khiêu khích” của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc quay trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ ngày 13.8 sau lần đầu vi phạm từ ngày 12.7 - 7.8.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo ngày 22.8 khẳng định Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của mình bằng các biện pháp hòa bình, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đồng thời không phủ nhận khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế về những hành vi ngang ngược trên Biển Đông. Người phát ngôn cũng đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp vào việc duy trì trật tự, hòa bình và ổn định trong khu vực; an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không; tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật Biển 1982.

Mối nguy “khai thác chung”

Bên cạnh Việt Nam, có nhiều thông tin cho thấy Malaysia và Philippines cũng đang bị các tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm EEZ. Lâu nay, giới quan sát Việt Nam lẫn quốc tế đã chỉ ra một trong những ý đồ của Trung Quốc là muốn cưỡng ép các bên khác đồng ý thỏa thuận song phương chấp nhận khai thác chung tại cả những vùng không tranh chấp nhưng bị đưa vào yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý. Trong bối cảnh này, cộng đồng khu vực và quốc tế đang theo dõi sát sao chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến Bắc Kinh từ ngày 28.8 - 1.9. Trước chuyến đi, nhà lãnh đạo khẳng định sẽ nêu phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA), dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “có nổi giận”. “Điều đầu tiên tôi sẽ nêu là có phán quyết của tòa trọng tài”, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời ông Duterte nhấn mạnh. Tuy nhiên, Tổng thống Philippines cũng khiến dư luận xôn xao khi cho hay ông sẽ thảo luận kế hoạch thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông. Theo Philippine Daily Inquirer, nhà lãnh đạo ủng hộ việc Trung Quốc đề xuất tỷ lệ ăn chia 60 - 40, trong đó Philippines sẽ hưởng phần lớn và gọi đó “khởi đầu tốt”.
Trong khi đó, hàng loạt chuyên gia liên tục cảnh báo về những hệ lụy khó lường cho nước này lẫn cả khu vực liên quan đến kế hoạch khai thác chung. Theo cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez, không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không gian lận hay mượn cớ “bảo vệ dự án chung” để cử lực lượng áp sát Philippines và khiến nước này phải trả giá đắt. Trong bài xã luận ngày 27.8 trên Philippine Daily Inquirer, cây bút John Nery viết: “Trung Quốc đã cho thấy bộ mặt rất dày khi bác bỏ và phớt lờ các tài liệu chứng cứ, thậm chí do chính nước này biên soạn. Điều gì đảm bảo rằng ngay cả khi hợp đồng có điều khoản về chủ quyền, Bắc Kinh sẽ không tiếp tục hành xử như thể đang kiểm soát Biển Đông?”.
Mặt khác, ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, cho rằng các bên tranh chấp khác ở Biển Đông đang “áp dụng các chính sách kiên định theo phán quyết của PCA”. Vì thế, ông cảnh báo nếu Philippines, bản thân là nguyên đơn kiện Trung Quốc, lại không vận dụng ngay phán quyết thì có thể đánh mất sự ủng hộ. “Chính sự ủng hộ của các nước khác giúp tăng cường thêm động lực. Nếu tự cô lập bằng cách bỏ qua điều đó, chúng ta sẽ rơi vào giai đoạn khó vận dụng phán quyết để đạt được nhượng bộ từ Trung Quốc”, Đài ABS-CBN dẫn lời chuyên gia này nói.
Nhật Bản phản đối hành động gia tăng căng thẳng ở Biển Đông
Nhật Bản phản đối hành động gia tăng căng thẳng ở Biển Đông

Ảnh: Reuters

Ngày 27.8, trả lời các phóng viên tại Tokyo về việc nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về xu hướng gia tăng căng thẳng trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương có hàng loạt hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, cản trở hoạt động dầu khí hợp pháp và đã được triển khai từ lâu trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số quốc gia ven biển khác, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (ảnh) khẳng định: “Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, và có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông”. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào. “Chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và bất cứ nơi nào khác”, Ngoại trưởng Nhật nói. 
Theo TTXVN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.