Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông và kỳ vọng 2017

09/09/2016 07:51 GMT+7

Đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) trong năm 2017 được các quốc gia ASEAN và Trung Quốc hoan nghênh.

Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Trưởng phái đoàn quan chức cấp cao ASEAN (SOM) của VN Lê Hoài Trung hôm qua 8.9 cho biết tại cuộc họp cấp cao ASEAN - Trung Quốc ngày 7.9 ở thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất hoàn thiện COC trong năm 2017, cũng là thời điểm kỷ niệm 15 năm hai bên ký với nhau Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Cuộc họp có sự tham dự của đầy đủ lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Tại cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao của các lãnh đạo ASEAN và với các đối tác đối thoại diễn ra từ 6 - 8.9, “Lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định mong muốn cùng các quốc gia ASEAN có được bản đề cương của COC vào khoảng giữa năm 2017”, ông Trung cho hay. “Các nước đều mong muốn làm sao sớm có được bộ quy tắc đó, nhằm giúp đưa ra các quy định về ứng xử của các bên ở Biển Đông để không dẫn đến căng thẳng, tránh được xung đột, đồng thời tạo điều kiện cho các bên cùng nhau xử lý các tranh chấp. Vì vậy, đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phù hợp với lập trường từ trước đến nay và được các nước rất hoan nghênh”, ông nói.
Ông cũng phân tích thêm, 2017 không chỉ là thời điểm kỷ niệm 15 năm DOC mà còn là kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc, nên có thể xem đây là lý do để có thể kỳ vọng sự ra đời COC như đề xuất của lãnh đạo VN.
Trả lời Thanh Niên tại cuộc họp báo kết thúc chuỗi hội nghị vào chiều qua 8.9 về những biến chuyển trong vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nước chủ nhà Thongloun Sisoulith nói rằng vấn đề này “được thảo luận một cách triệt để” trong tất các cuộc họp với “thái độ xây dựng”. Ông khẳng định cá nhân ông cũng như các lãnh đạo khác đều mong muốn Biển Đông là một nơi hòa bình, ổn định và không có tranh chấp. “Tôi đã nghe ý kiến của Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng các lãnh đạo khác và kỳ vọng đó sẽ là nền tảng để các bên tiến tới hợp tác phát triển và làm việc cùng nhau cho sự ra đời của COC”.
Tôn trọng luật pháp
Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ VN tàu tuần tra
Trong cuộc gặp song phương bên lề hội nghị tối 7.9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ VN một số tàu tuần tra nhằm tăng cường năng lực thực thi luật Biển. Số tàu và thời điểm trao nhận hiện chưa được xác định. Trước đó, ngày 6.9, Nhật Bản cũng hứa tặng Philippines 2 tàu tuần tra lớn và cho mượn 5 máy bay do thám đã qua sử dụng.
Trong khi vấn đề Biển Đông có “chuyển biến tích cực” trên mặt trận ngoại giao, như lời Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, việc Trung Quốc tuyên bố không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài hồi tháng 7 và bị nghi tiếp tục có hoạt động xây dựng ở bãi cạn Scarborough như hình ảnh Philippines công bố ngày 7.9, không ngừng gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.
Phát biểu trong cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN sáng 8.9, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Tôi nhìn nhận điều này làm gia tăng căng thẳng”. Và ông gián tiếp “nhắc nhở” Bắc Kinh: “Phán quyết trọng tài có tính cột mốc hồi tháng 7 có tính ràng buộc và giúp làm rõ các quyền yêu sách trên biển trong khu vực”. “Tôi cũng mong đợi việc thảo luận làm cách nào để chúng ta có thể cùng nhau tiết giảm căng thẳng, thúc đẩy ngoại giao và ổn định”, Tổng thống Obama nói.
Phát triển hạ tầng
Bên cạnh thảo luận một số vấn đề an ninh nóng bỏng như tranh chấp ở Biển Đông, khủng bố đang lan rộng ở Đông Nam Á, hội nghị này cũng bàn nhiều về hợp tác kinh tế và phát triển. Tại cuộc họp báo kết thúc, Thủ tướng Thongloun Sisoulith hân hoan thông báo Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) gồm 10 quốc gia ASEAN và 8 cường quốc đối tác đối thoại đã nhất trí ra Tuyên bố Vientiane về thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng do Lào đề xuất. Theo đó, các đối tác đối thoại với nguồn tài chính dồi dào và trình độ kỹ thuật vượt trội sẽ hỗ trợ các quốc gia ASEAN phát triển hạ tầng để đạt được mục tiêu kết nối và xóa dần khoảng cách phát triển giữa các quốc gia trong toàn khu vực Đông Á, phù hợp lộ trình Quy hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025.
Bản tuyên bố khẳng định các định chế tài chính gồm Ngân hàng Đầu tư phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc chủ xướng, Quỹ đối tác mở rộng vì hạ tầng chất lượng của Nhật Bản với số vốn 200 tỉ USD, Credit Line của Ấn Độ với 1 tỉ USD, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng Cơ quan Phát triển thương mại, ngân hàng xuất nhập khẩu và quỹ đầu tư tư nhân ngoại quốc của Mỹ... sẽ cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng phù hợp trong khu vực.
Một số dự án kết nối tầm khu vực được đề cập là cải thiện hiệu quả sử dụng tuyến đường cao tốc Côn Minh (Trung Quốc) - Bangkok (Thái Lan), hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc ASEAN và tính toán xây dựng tuyến đường sắt Singapore - Côn Minh.
Trả lời Thanh Niên bên lề hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez nói rằng nước này rất cần phát triển hạ tầng trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, giao thông và những nguồn quỹ như từ AIIB là hết sức cần thiết. Ông Dominguez cũng cho biết chính phủ Manila đang vận động Thượng viện phê chuẩn kế hoạch tham gia AIIB.
Tổng thống Philippines né chụp hình
Sau sự cố xúc phạm Tổng thống Mỹ Barack Obama trước báo chí khiến Nhà Trắng quyết định hủy cuộc họp song phương bên lề Hội nghị ASEAN ngày 6.9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị dư luận quốc tế phê phán dữ dội. Trong một loạt động thái xoa dịu và né tránh báo chí tại hội nghị, chiều qua 8.9, ông Duterte đã vắng mặt trong cuộc chụp ảnh lưu niệm các lãnh đạo 18 quốc gia thuộc Thượng đỉnh Đông Á (EAS), trong đó có Tổng thống Obama. Sau khi 17 lãnh đạo khác rời tiền sảnh để vào phòng họp khoảng 5 phút, ông Duterte và tùy tùng mới lững thững đi vào.
Trước đó, tối 7.9, tại tiệc chiêu đãi các lãnh đạo EAS của nước chủ nhà, hai ông Obama và Duterte đã có nói chuyện với nhau trong phòng chờ trước khi vào phòng tiệc. Phủ Tổng thống Philippines nói rằng cuộc nói chuyện kéo dài 2 phút, trong khi Nhà Trắng cho hay hai ông chỉ nói đùa với nhau trong chốc lát. Phía Philippines trước đó cũng nói rằng ông Duterte dự kiến được nước chủ nhà xếp ngồi giữa ông Obama và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Nhưng thực tế ông Duterte ngồi giữa Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, trong khi ông Obama ngồi giữa Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.