Bộ sách quý của GS, NGND Phan Huy Lê nặng lòng với Nam Bộ

02/12/2018 15:33 GMT+7

Sáng 2.12 tại Đường sách TP. HCM, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã tổ chức buổi ra mắt bộ sách quý Vùng đất Nam Bộ do cố GS.NGND Phan Huy Lê làm chủ biên cùng các diễn giả, học giả có uy tín.

Bộ sách là kết quả của chương trình nghiên cứu tổng thể về vùng đất Nam Bộ dưới dạng một đề án khoa học cấp nhà nước, gồm 11 đề tài khoa học đã được Bộ Khoa học - Công nghệ triển khai từ năm 2008. Đến dự và tham gia buổi giao lưu, giới thiệu bộ sách nhân kỷ niệm 320 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM còn có PGS.TS Phan Xuân Biên, GS.TS Ngô Văn Lệ, PGS.TS Trần Nam Tiến, TS Quách Thu Nguyệt và bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM.
Độc giả quan tâm đến bộ sách có mặt tham dự từ sớm tại Đường sách TP.HCM
Bộ tổng quan của GS Phan Huy Lê về vùng đất Nam Bộ vô cùng giá trị
Ông Phạm Chí Thành khẳng định: "Đây là công trình khoa học có giá trị hết sức to lớn"
Từ xưa đến nay, vùng đất Nam Bộ là không gian địa lý và địa bàn hành chính thân thuộc, thiêng liêng của người dân đất Việt. Với vị trí một vùng đất giàu trầm tích văn hóa, đa dạng tộc người, đa tôn giáo, giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược trọng yếu, từ lâu Nam Bộ đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài.
Bộ sách Vùng đất Nam Bộ xuất bản lần này gồm: Bộ tổng quan: Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển (2 tập), do GS Phan Huy Lê làm chủ biên. Một công trình nghiên cứu khoa học tâm huyết, nặng lòng với Nam Bộ của ông được hoàn thành trong những năm tháng cuối đời dành cho mảnh đất phương Nam đã đến tay bạn đọc. Theo PGS.TS Phan Xuân Biên: “Có nhiều hội thảo khoa học về vùng đất này đã được tổ chức, nhiều công trình khoa học đã được công bố, nhưng cho đến nay vẫn thiếu một công trình có tầm vóc, quy mô lớn nghiên cứu toàn diện, liên ngành để có cái nhìn toàn cảnh, sâu sắc, nhiều chiều cạnh về vùng đất phương Nam và điều đó thôi thúc các nhà khoa học vào cuộc. Bộ sách này là một trong những công trình xuất sắc như thế về KHXH thời gian qua”.
Ngoài hai tập do GS Phan Huy Lê chủ biên, các tập sau được phân bố như sau: Vùng đất Nam Bộ (tập 1): Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, do TS. Trương Thị Kim Chuyên chủ biên, Từ cội nguồn đến thế kỷ 7, GS. TSKH. Vũ Minh Giang chủ biên (tập 2), Từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 16, GS.TS Nguyễn Văn Kim chủ biên (tập 3), Từ đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19 do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên (tập 4), Từ năm 1859 đến năm 1945, PGS.TS Đoàn Minh Huấn - PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà đồng chủ biên (tập 5), Từ năm 1945 đến năm 2010, PGS.TS Trần Đức Cường chủ biên (tập 6), Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa, GS.TS Ngô Văn Lệ chủ biên (tập 7), Thiết chế quản lý xã hội, PGS.TS Vũ Văn Quân chủ biên (tập 8),Tộc người và quan hệ tộc người, TS Võ Công Nguyện chủ biên (tập 9), Tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, PGS.TS Võ Văn Sen chủ biên (tập 10).
Bộ sách quý Vùng đất Nam Bộ chính thức đến tay độc giả
Đọc sách để hiểu thêm về Sài Gòn và vùng đất Nam Bộ
Sách còn được giới thiệu bằng hình ảnh tại Đường sách TP.HCM thu hút khách tham quan, tìm hiểu
Ông Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc NXB Chính trị Quốc gia Sự thật cho biết: “Từ công trình khoa học xuất sắc của GS Phan Huy Lê, các nhà khoa học phải mất 3 năm để chuyển thành sách và chuyển qua NXB thêm 2 năm nữa để biên tập gồm tổng quan 2 tập và chuyên khảo chuyên sâu về các lĩnh vực. Việc khó khăn và tranh luận trong từng vấn đề là một chuyện bình thường trong nghiên cứu nhưng rõ ràng công trình có giá trị hết sức to lớn. Chúng tôi giới thiệu bộ sách ý nghĩa này nhằm góp phần làm cho sự kiện kỷ niệm 320 năm TP.HCM càng thêm ý nghĩa. Trước đây bộ sách của GS Phan Huy Lê viết về Nam Bộ từng có nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí kiện cáo nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Nhờ có sự phản biện ấy mà phải luôn cố gắng cập nhật kiến thức và thuật ngữ khoa học để việc nghiên cứu về Nam Bộ bài bản và ngày càng hoàn thiện hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.