Bộ Công an vừa gửi hồ sơ sang Bộ Tư pháp để thẩm định đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy.
Đây là nghị định rất được mong chờ, có vai trò quan trọng để thực hiện bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú kể từ 1.1.2023 tới đây. Nghị định cũng được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý, thống nhất các quy định về thủ tục hành chính sau khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị.
Kể từ ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy và sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị sử dụng |
phúc bình |
Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất bãi bỏ việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tại 19 nghị định liên quan đến các lĩnh vực giáo dục, việc làm, thuế, đất đai… Khi thực hiện thủ tục trong các lĩnh vực này, người dân không cần xuất trình sổ hộ khẩu nữa mà chỉ cần cung cấp một trong các giấy tờ CMND, CCCD, giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc xây dựng nghị định nói trên cho thấy quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành đối với công tác cải cách hành chính.
Nhưng có một vấn đề, đúng hơn là mong muốn: Lẽ ra, nghị định phải được xây dựng và ban hành sớm hơn.
Luật Cư trú năm 2020 quy định kể từ 1.1.2023, toàn bộ sổ hộ khẩu giấy và sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Những cuốn sổ đã cấp trước đây chỉ còn được sử dụng đến hết ngày 31.12.2022.
Thế nhưng, kể từ thời điểm luật có hiệu lực (1.7.2021), khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, cơ quan đăng ký cư trú đã tiến hành thu hồi sổ hộ khẩu đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về dân cư và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu.
Dự thảo nghị định do Bộ Công an chủ trì soạn thảo sẽ được trình Chính phủ ban hành và có hiệu lực kể từ 1.1.2013, cùng thời điểm với quy định bãi bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy. Đồng nghĩa, hướng dẫn có độ trễ đối với hàng ngàn trường hợp đã bị thu hồi sổ hộ khẩu (khi thực hiện thủ tục dẫn tới thay đổi thông tin) kể từ ngày 1.7.2021 đến nay.
Thực tế, trong số những người bị thu hồi sổ hộ khẩu, không ít trường hợp phản ánh gặp khó. Điển hình là vẫn còn nhiều thủ tục yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, nếu sổ bị thu thì phải có xác nhận thông tin cư trú gây tốn thời gian, hoặc như câu chuyện một số trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long yêu cầu nộp bản sao sổ hộ khẩu khi làm thủ tục nhập học…
Nếu nghị định về bãi bỏ các quy định xuất trình sổ hộ khẩu được ban hành sớm hơn, cùng thời điểm khi luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, thì có lẽ những người thuộc diện bị thu hồi sổ hộ khẩu thuận lợi hơn. Họ sẽ có nhiều lựa chọn, ví dụ như dùng thẻ CCCD gắn chip hoặc thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thay vì bắt buộc phải xin giấy xác nhận cư trú để thay thế cho sổ hộ khẩu đã bị thu hồi.
Việc ban hành nghị định sớm cũng giúp các cơ quan, đơn vị có cùng cách hiểu, áp dụng quy định khi thực hiện những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, tránh việc “mỗi nơi hiểu một ý” gây phiền hà cho người dân như thời gian vừa qua.
Và không chỉ câu chuyện về bỏ sổ hộ khẩu, với các dự án luật nói chung, sẽ thật kịp thời nếu các nghị định quy định chi tiết được tính toán, xây dựng, ban hành cùng thời điểm khi luật có hiệu lực.
Bình luận (0)