Bổ sung nhiều quyền về quản lý cán bộ cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư

05/09/2022 17:48 GMT+7

Quy định 80 vừa được Bộ Chính trị ban hành bổ sung thêm nhiều quyền hạn, trách nhiệm về quản lý, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử so với quy định cách đây 5 năm.

Bộ Chính trị phê duyệt quy hoạch T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (Quy định 80) thay thế cho Quy định 105 năm 2017.

Quy định mới bổ sung nhiều quyền hạn, trách nhiệm về công tác cán bộ cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư

gia hân

Theo Quy định 80, trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị trong công tác quản lý cán bộ được quy định thành 9 khoản, tăng thêm 1 khoản so với Quy định 105.

Cụ thể, Bộ Chính trị quyết định chủ trương, chính sách về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quy định 80 cũng ghi rõ, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành T.Ư Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự; kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của T.Ư Đảng.

Tuy nhiên, Quy định 80 quy định cụ thể, Bộ Chính trị sẽ chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành T.Ư Đảng xem xét, bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư (gồm Chủ nhiệm và các ủy viên); đồng thời, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Bộ Chính trị cũng trình để xin ý kiến Ban Chấp hành T.Ư Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh: Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các thành viên Chính phủ.

Ở khoản 3, giống quy định cũ, Quy định 80 cũng nêu rõ, Bộ Chính trị quyết định phân công công tác đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng (cả chính thức và dự khuyết).

Tuy nhiên, Quy định 80 mới bổ sung thêm việc “phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Việc này chưa có trong Quy định 105 cách đây 5 năm.

Lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm

Ở khoản 4, tương tự Quy định 105, Quy định 80 quy định: Bộ Chính trị sẽ chỉ định Bí thư, Phó bí thư và Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Quân ủy T.Ư, Đảng ủy Công an T.Ư. Và khi cần thiết chỉ định Bí thư, giao quyền Bí thư hoặc giao phụ trách Đảng bộ trực thuộc T.Ư.

Ở khoản 5, Quy định 80 chi tiết thêm nhiều quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Chính trị sẽ quyết định đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị sẽ quyết định việc “phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng”; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.

Quy định 80 cũng bổ sung thêm nội dung: "Bộ Chính trị sẽ lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội trong việc giới thiệu nhân sự, phê chuẩn, miễn nhiệm hoặc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn".

Ở khoản 6 - 7, Quy định 80 giữ nguyên quy định cũ. Cụ thể, Bộ Chính trị sẽ quyết định phân công, phân cấp quản lý cán bộ đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc T.Ư.

Bộ Chính trị cũng sẽ quyết định kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ở các ngành, các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Ban Tổ chức T.Ư phê duyệt quy hoạch chức danh lãnh đạo

Ở khoản 8, Quy định 80 cũng quy định chi tiết hơn Quy định 105.

Cụ thể, Bộ Chính trị ủy quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách xem xét quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định.

Cùng đó là bổ nhiệm lại và thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý theo quy định (trừ các Ủy viên T.Ư Đảng).

Quy định 80 bổ sung thêm khoản 9, trong đó, Bộ Chính trị có quyền ủy quyền cho Ban Tổ chức T.Ư phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các Ủy viên T.Ư Đảng, gồm cả dự khuyết).

Phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng

Về trách nhiệm, quyền hạn của Ban Bí thư không có nhiều khác biệt so với Quy định 105 trước đây.

Cụ thể, bổ sung thêm quyền hạn “phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng” đối với cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý.

Bên cạnh đó, Ban Bí thư cũng có quyền ủy quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Ban Bí thư quản lý giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định.

Cùng đó là bổ nhiệm lại và thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ diện Ban Bí thư quản lý theo quy định.

Một “quyền hạn” mới bổ sung trong Quy định 80 là Ban Bí thư cho ý kiến nhân sự thư ký của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội.

Các chức danh cán bộ do Bộ Chính trị quyết định

1. Các cơ quan T.Ư

- Lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng Viện KSND tối cao; Phó chủ tịch nước; Phó thủ tướng Chính phủ; Phó chủ tịch Quốc hội.

- Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh.

- Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.

- Trưởng các ban chỉ đạo, tiểu ban, hội đồng do Bộ Chính trị thành lập.

- Thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ.

- Ủy viên T.Ư Đảng chính thức (Ủy viên T.Ư dự khuyết đang đảm nhiệm vị trí công tác nào thì được xác định vị trí thứ bậc và hưởng các chế độ, chính sách theo chức vụ đang công tác).

- Trưởng ban, cơ quan Đảng ở T.Ư; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

- Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

- Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

- Tổng Kiểm toán Nhà nước.

- Trưởng tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư; Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

- Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

2. Các tỉnh, thành phố và Đảng ủy khối trực thuộc T.Ư

- Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc T.Ư.

- Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM; Chủ tịch HĐND, UBND TP.Hà Nội, TP.HCM.

3. Quân đội, Công an

- Bí thư, Phó bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Quân ủy T.Ư và Đảng ủy Công an T.Ư.

- Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ Chính trị xem xét, quyết định việc phong, thăng quân hàm đối với các nhân sự giữ chức vụ nêu trên (trừ các những người không giữ chức vụ diện Bộ Chính trị quản lý) và việc phong, thăng quân hàm đại tướng, thượng tướng, đô đốc Hải quân cho các cán bộ giữ chức vụ thấp hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.