Tại tọa đàm góp ý cho UBND TP.HCM xoay quanh vấn đề tổ chức đấu giá lại đất Thủ Thiêm do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 2, ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch miền Nam, nhận định do khung pháp lý chưa hoàn thiện nên còn lúng túng.
Có những kẽ hở trong quy định như mức đặt cọc quá thấp, nếu bỏ cọc thì chỉ bị mất cọc chứ chưa có hình thức chế tài nào khác. Điều đó dẫn đến nhiều hệ lụy đối với thị trường bất động sản, đẩy giá đất cả nước lên cao để trục lợi. Nhà nước cần sửa đổi quy định để vá các lỗ hổng này, đừng để nhà đầu tư đưa cơ quan quản lý vào tình thế bất ngờ.
Còn theo luật sư Trần Thu (Đoàn luật sư TP.HCM), vừa qua các địa phương trong đó có TP.HCM đã lựa chọn áp dụng hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên với những bất cập, hạn chế như đã thể hiện rõ trong các cuộc đấu giá vừa qua. Ngược lại, chưa thấy có địa phương nào lựa chọn áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, mà nếu được áp dụng để đấu giá quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án đầu tư bất động sản, nhà ở thì phù hợp hơn. Chính vì vậy, không nên áp dụng hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá (quy định tại điều 41 luật Đấu giá tài sản 2016) đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI, cho rằng các quy định trong luật Đầu tư, luật Đấu thầu đều đã rõ. Nếu chờ sửa luật thì rất lâu trong khi kế hoạch phát triển, đầu tư hạ tầng của TP.HCM hay các địa phương khác không thể dừng lại. Vì vậy, các đơn vị bán đấu giá nghiên cứu kỹ các quy định liên quan và rút ngắn thời gian thực hiện quy trình bán đấu giá theo mức tối thiểu (nếu có). Ví dụ theo quy định tối đa sau 30 ngày phải nộp tiền đợt 1 thì đơn vị bán đấu giá sẽ công bố rút ngắn thời gian trong khoảng đó. Tương tự ở các khâu trước đó như thời gian công bố, tổ chức đấu giá đến ký hợp đồng. Từ đó sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian bán đấu giá của một tài sản công, đẩy nhanh vòng quay hơn thì sẽ có lợi cho cả cơ quan bán đấu giá lẫn kinh tế nói chung như tốc độ quay vòng vốn càng nhanh thì càng có lợi. Song song đó, công tác thẩm định, đưa ra giá khởi điểm cần xem xét lại để đưa lên sát giá thị trường hơn.
“Chúng ta rất khó đưa lên tỷ lệ cọc cao hơn 20% vì sẽ vô tình hạn chế số DN tham gia các vụ đấu giá khác, trong khi giao dịch nhà đất dân sự tối đa cũng thỏa thuận đặt tiền cọc 10% nên không nên nâng tỷ lệ này lên quá khác biệt. Quan trọng là việc xác định được giá khởi điểm của các dự án đất công càng sát thực tế càng tốt thì sẽ hạn chế nhiều việc DN bỏ cọc vì đó sẽ là số tiền lớn”, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ thêm.
Bình luận (0)