Cụ thể, đơn vị tư vấn đưa vào quy hoạch tuyến đường ven sông từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ, dài gần 70 km, với quy mô tối thiểu 4 làn xe, kết hợp làn đường riêng dành cho xe đạp và đường sắt đô thị nhẹ (tramway) từ trung tâm thành phố đi Củ Chi.
Theo đánh giá tuyến đường sẽ tạo trục giao thông mới ven sông kết nối giao thông, chia sẻ áp lực với các trục chính theo hướng bắc - nam. Từ đường này, thành phố sẽ khai thác các quỹ đất ven sông tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, phục vụ tái đầu tư, phát triển.
Tuyến đường sẽ chia làm 6 đoạn, bắt đầu từ cầu Cần Giờ đi dọc qua các điểm như cầu Phú Mỹ, cầu Khánh Hội, đường Tôn Đức Thắng cầu Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, Vành đai 3, cầu Bến Súc và DT 789 ở Củ Chi. Trong đó, đoạn từ Phạm Văn Đồng đến Vành đai 3, ở phía tây bờ sông sẽ dành cho xe đạp, đi bộ, tách rời đường chính.
Đơn vị tư vấn cũng đề xuất xây dựng không gian dọc sông Sài Gòn là trọng tâm phát triển mang tính đột phá là không gian kinh tế chủ đạo của thành phố với những dải đô thị dọc hai bên bờ sông. Trong đó, phát triển các tuyến buýt đường thủy, kết nối giao thông công cộng đường bộ, tuyến đi xe đạp, đường dạo dọc theo sông Sài Gòn và các tuyến rạch chính. Đồng thời, đơn vị tư vấn cũng đề xuất bố trí trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm sáng tạo nghệ thuật, trung tâm công nghệ cao, nhà hàng khách sạn và hệ thống dịch vụ du lịch cao cấp nhất… dọc theo bờ sông.
Trước đó, ý tưởng xây dựng tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn được ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu khởi xướng. Dự án cơ bản được các bộ ngành và trung ương đóng góp ý kiến và ủng hộ, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế, bảo hộ độc quyền cho cá nhân ông Đào Hồng Tuyển.
Theo thiết kế ban đầu, dự án đại lộ ven sông Sài Gòn xuất phát từ cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) đến cầu Bến Súc (huyện Củ Chi), với tổng chiều dài khoảng 64 km. Khi tuyến đường này hoàn thành, người dân tại TP.HCM chỉ mất khoảng 25 - 30 phút đi từ Củ Chi về quận 1 (hiện nay mất khoảng 1 giờ 30 phút). Ngoài rút ngắn thời gian đi lại, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ thúc đẩy phát triển vùng đất đầy tiềm năng ở khu Tây Bắc TP.HCM, giúp giãn hơn một triệu dân từ vùng trũng hay bị ngập lên một vùng đất cao hơn, hình thành các khu đô thị mới văn minh hiện đại trong tương lai.
Tuyến đại lộ này khi hoàn thành sẽ khai thác được khoảng 15.000 ha đất hoang hóa tại Củ Chi, người dân, Nhà nước sẽ được hưởng lợi rất nhiều, tạo giá trị gia tăng cho thành phố. Không những vậy, các khu đô thị hình thành trong tương lai sẽ giãn được khoảng hơn 1 triệu dân, kết nối giao thông thuận tiện với Bình Dương, Tây Ninh, Long An và khu vực lân cận. Khi đó dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 2,5 tỉ USD và hoàn thành trong vòng 24 tháng. Dự án cũng được các ngân hàng, các nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng cam kết tài trợ vốn và nguyên vật liệu với giá trị cam kết hơn 30.000 tỉ đồng.
Sau đó, ông Đào Hồng Tuyển đã tặng ý tưởng và bản quyền dự án đại lộ ven sông Sài Gòn cho ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.
Đại lộ ven sông Sài Gòn cũng được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị với các ngành chức năng TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung vào quy hoạch đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, nếu được đầu tư xây dựng, tuyến đại lộ này sẽ nối trung tâm TP.HCM từ bến Bạch Đằng (Q.1) với các quận huyện ở phía tây TP như huyện Hóc Môn, Củ Chi, Q.12, Gò Vấp. Không những thế còn giúp phát triển khu vực huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, giúp phá thế độc đạo của quốc lộ 22, tức đường Xuyên Á hiện nay. Tạo điều kiện phát triển khu đô thị Tây Bắc TP rộng 9.000 ha đã quy hoạch hơn 15 năm nay vẫn chưa thực hiện được.
Hiện nay, TP.HCM cũng đang điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông đến năm 2030, do vậy cần thiết bổ sung dự án này vào một phần tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nhằm tận dụng quỹ đất hiện hữu của địa phương.
Bình luận (0)