'Bộ sưu tập' nụ cười người bệnh hiểm nghèo !

09/07/2019 07:03 GMT+7

'Đối diện với nghèo khổ, tuổi già, bệnh hiểm nghèo , họ vẫn có thể cười tươi, cớ sao những người trẻ mới khó khăn một chút đã nản lòng...', Lê Phương Uyên nhìn những bức ảnh mình vừa tráng từ cuộn phim, tự hỏi chính mình?

Khi Lê Phương Uyên (21 tuổi, sinh viên ngành xã hội học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) bắt đầu có ý định muốn giúp điều gì đó cho những người khó khăn trên quê hương Phú Yên của mình, cô gái trẻ này xin được 2 bao tải quần áo cũ từ những người bạn ở TP.HCM. Một người bạn ở Phú Yên biết cô đi giúp người cũng quyên góp vài chục phần quà, gồm gạo, nước mắm, bột ngọt, mì gói...

Nhận được nước mắt và nụ cười

Cuộc sống khắc nghiệt đã khiến họ phải khóc quá nhiều. Tôi muốn họ cười, quên đi nỗi đau họ đang gánh chịu

Lê Phương Uyên

Theo danh sách được một người đưa cho, Uyên và nhóm bạn rong ruổi bằng xe gắn máy theo những cung đường gấp khúc ở Phú Yên, chở theo tất cả quần áo, lương thực... và một chiếc máy ảnh cơ (chụp bằng film) đi tìm những người khốn khó.
Uyên dành hết 4 ngày trong chặng đường TP.Tuy Hòa rẽ sang các huyện, xã xa xôi như: Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc, Phú Hòa, Hòa Thắng, Hòa Trị... “Trong danh sách không có địa chỉ cụ thể, tôi vừa đi vừa hỏi đường. Đi rồi mới thấy rằng những người khó khăn quanh mình nhiều vô cùng. Trong 40 người tôi gặp, trao quà, gần một nửa bị ung thư, còn lại là các bệnh nặng khác, tâm thần, bại não, tim bẩm sinh...”, Uyên kể. Đó là một cụ bà đã 80 tuổi bệnh tật trú ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, H.Phú Hòa ở một cái gò đất cao, biệt lập với xung quanh, trong căn nhà chừng 20 m2 chỉ có một ngọn đèn chữ u thắp sáng. Hay một em bé mới học lớp 6 có mẹ bị ung thư, bố bị tai biến liệt nửa người nhưng vì mưu sinh cho cả gia đình vẫn phải lết đi bán vé số.

“Những hành trình tôi đi qua, dù đầy nước mắt, nhưng vẫn sáng lên điều gì đó nhân văn lắm. Tôi nhớ, em bé Phạm Văn Toàn, thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, H.Phú Hòa bị bệnh tim bẩm sinh, cha làm nghề hạt điều, mẹ chỉ làm phụ hồ nhưng mới đây cả hai phải nghỉ việc để chăm cho bé. Cha mẹ em đều bảo dù đời họ có ra sao, họ cũng ráng vay mượn để lo cho con, đến khi nhắm mắt, không thể lo được nữa thì thôi.
Uyên quyết định chụp lại tất cả những khoảnh khắc họ đang cười. “Cuộc sống khắc nghiệt đã khiến họ phải khóc quá nhiều. Tôi muốn họ cười, quên đi nỗi đau họ đang gánh chịu. Nhưng làm cho họ cười rất khó, tôi kể chuyện, tôi động viên và thấy họ òa khóc, tôi không thể kìm được lòng mình đã khóc nhiều hơn. Có những lúc, trên đôi môi họ nở nụ cười, còn đôi mắt tôi vẫn nhòa nước, tôi bấm máy khi tay mình run lên”, Uyên xúc động.

Nụ cười dạy ta sống bản lĩnh hơn

Uyên chụp xong, rửa ảnh, scan về máy tính từ đầu tháng 2.2019, tuy nhiên cô chưa tự tin để công bố bộ ảnh này trên trang cá nhân. Cho đến một ngày ở TP.HCM, khi Uyên gặp một người bạn nhiếp ảnh, cô kể cho bạn nghe hành trình mình đã đi qua và những tấm ảnh về nụ cười của những người đặc biệt, người bạn sững sờ, “một dự án ý nghĩa như thế tại sao lại không đăng?”.
Uyên quyết định chọn lọc ảnh và công bố trên mạng xã hội vào giữa tháng 5.2019. Đúng như những gì người bạn của cô nói, bộ ảnh đã chạm tới trái tim của rất nhiều người. Những người trẻ có bà, cha, mẹ đã qua đời vì ung thư xúc động: Tôi như thấy bóng dáng của người thân mình ở đâu đó.
Rất nhiều người trẻ khác thốt lên: Chúng tôi tìm thấy động lực để bước về phía trước, những khó khăn của mình chẳng là gì. “Hạnh phúc là sớm mai thức giấc vẫn thấy ánh mặt trời”.
Điều Uyên tiếc nhất, đó là những thước phim bị tuột, đứt, không thể tráng rửa thành công. Cô đến thăm 40 người, nhưng cuối cùng chỉ còn ảnh của hơn 10 người. Tuy nhiên, có những tấm ảnh khiến cô thật sự cảm thấy xúc động. “Khi tôi nhìn lại tất cả những nụ cười của những số phận, đối diện với bệnh tật mà họ vẫn có thể cười tươi, cớ sao những người trẻ mới khó khăn một chút đã nản lòng. Tại sao mình không thể bản lĩnh hơn? Như chính tôi, đã từng có lúc tôi khủng hoảng, stress với câu hỏi mình là ai, ước mơ của mình là gì và oán trách số phận. Tôi mong muốn bộ ảnh sẽ cho những người trẻ một thông điệp nào đó, thật sự họ đang cần vào lúc này”, Uyên bộc bạch.

Nụ cười người bệnh

“Bộ sưu tập” nụ cười người bệnh hiểm nghèo !
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.