Cục Hàng không vừa có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan tới việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines.
Theo đó, Vietravel Airlines đã đáp ứng đủ các quy định về vốn. Vietravel Airlines đã nộp bản chính Giấy xác nhận phong tỏa tài khoản thanh toán (văn bản xác nhận vốn) ngày 29.6.2020 của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng với số tiền 700 tỉ đồng. Đáp ứng quy định về vốn tối thiểu quy định tại điều 1 của Nghị định 89/NĐ-CP với quy mô khai thác đến 30 máy bay, phạm vi khai thác quốc tế và nội địa.
Về năng lực tài chính của chủ sở hữu là Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông (Công ty Vietravel), theo quy định tại Nghị định 89, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chỉ yêu cầu chủ sở hữu có xác nhận vốn được phong tỏa trong thời gian thẩm định hồ sơ.
Sau khi đi vào khai thác, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ tiếp tục đảm bảo công tác giám sát việc duy trì vốn pháp định của hãng hàng không theo quy định. Việc đánh giá năng lực tài chính của chủ sở hữu không nằm trong quy định cần xem xét theo quy định trong giai đoạn thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép. Cục Hàng không đánh giá hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines đáp ứng các điều kiện theo quy định và kiến nghị Bộ GTVT cấp giấy phép cho hãng này.
Tuy nhiên, Cục này lưu ý, ngay cả khi có giấy phép, Vietravel Airlines sẽ chưa thể cất cánh ngay. Hãng hàng không chỉ được phép khai thác trên lãnh thổ Việt Nam sau khi được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt Chương trình an ninh hàng không.
Cụ thể, với lĩnh vực an toàn hàng không, theo kế hoạch, Vietravel Airlines chỉ thực hiện hoạt động khai thác vận chuyển hàng không bằng máy bay thuê không có tổ bay (thuê khô). Hãng này chỉ được phép khai thác sau khi được Cục Hàng không cấp Giấy chứng nhận Nhà khai thác tàu bay (AOC) và phê duyệt Chương trình an ninh hàng không, đảm bảo các vấn đề về an ninh, an toàn hàng không của Vietravel Airlines được kiểm soát chặt chẽ theo quy định trước khi đi vào khai thác.
Trước đó, cho ý kiến về việc cấp giấy phép bay cho Vietravel Airlines, Bộ Tài chính cho rằng, theo báo cáo tài chính quý 3/2019 và báo cáo tài chính quý 2/2020, nguồn vốn Công ty Vietravel đầu tư góp vốn thành lập Vietravel Airlines được lấy từ khoản phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi trong thời hạn 2 năm. Tài sản bảo đảm là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines được mở tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Báo cáo tài chính quý 2/2020 của Công ty mẹ Vietravel cho thấy, tổng nợ phải trả là 1.578 tỉ đồng (gồm 862 tỉ đồng nợ phải trả ngắn hạn, 715 tỉ đồng nợ phải trả dài hạn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn là 942 tỉ đồng, chiếm 60% tổng nợ phải trả). Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 10,8 lần. Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,82 lần. Lợi nhuận trước thuế âm 65 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng, các chỉ tiêu về tình hình tài chính nêu trên cho thấy nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trong năm 2020 - 2021 và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh như 6 tháng đầu năm 2020, thì Công ty mẹ Vietravel có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ, nhất là khả năng thanh toán khoản trái phiếu trị giá 700 tỉ đồng vào tháng 9.2021. Trong khi đó, phương án dự kiến Vietravel Airlines sẽ bị lỗ trong năm đầu khai thác (năm 2021).
Bình luận (0)