Vào đầu tháng 3.2023 trong bối cảnh sức mua ô tô đang sụt giảm, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND các tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong đó có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.
Ngay sau đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Công thương nghiên cứu chính sách gia hạn nộp thuế TTĐB và giảm phí trước bạ cho xe ô tô lắp ráp trong nước. Sau khi nghiên cứu, mới đây Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng: "Hiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp".
Trước đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã 2 lần được áp dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vào năm 2020 khi thị trường ô tô Việt Nam chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu theo quy định. Trong lần đầu tiên được triển khai, chính sách này có hiệu lực từ ngày 29.6.2020 đến hết ngày 31.12.2020. Bước sang năm 2021, khi các doanh nghiệp ô tô vẫn đang vật lộn với khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ một lần nữa được ban hành thông qua Nghị định 103, có hiệu lực từ ngày 1.12.2021 đến ngày 31.5.2022.
Bộ Tài chính cũng nhận định, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung… Tuy nhiên, chính sách này lại được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Đặc biệt, về vấn đề công bằng trong cạnh tranh theo các tổ chức thương mại trên toàn cầu.
Thực tế, sau khi VAMA, VAMI… đưa ra đề xuất, chỉ vài tuần sau đó 10 doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét giảm lệ phí trước bạ cho ô tô nhập khẩu (CBU). Theo đại diện các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu:"Các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và rất cần sự hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này". Vì vậy, nếu chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ được thông qua một lần nữa, cần được áp dụng cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như ô tô nhập khẩu nguyên chiếc để đảm bảo công bằng.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính nếu thực hiện đồng đều cho cả ô tô lắp ráp trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc thì sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước từ lệ phí trước bạ, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương.
Mới đây, thị trường ô tô vừa lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 2, nhưng theo đánh giá của các doanh nghiệp, bước tăng trưởng này chưa phản ánh hết thực tế về những khó khăn mà doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô đang đối mặt. Thực tế, sau 2 tháng đầu năm 2023 tổng lượng ô tô tiêu thụ trên thị trường vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nguy cơ ô tô tồn kho tăng cao và đang nỗ lực giảm giá để kích cầu.
Bình luận (0)