Làm sao tránh ra sân bay, cửa khẩu mới biết nợ thuế?
Ngày 8.11, Bộ Tài chính đã thông tin tới báo chí nhiều nội dung liên quan quy định về tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Theo quy định tại luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại khoản 1 Điều 66 và khoản 7 Điều 124.
Đối với người nộp thuế (NNT) mà cơ quan thuế chuẩn bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của NNT.
Trước khi ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện một số biện pháp đôn đốc NNT như gọi điện thoại, gửi email, mời NNT lên làm việc, gửi thông báo nợ, gửi quyết định cưỡng chế (nếu có) cho NNT.
Trường hợp NNT phản ánh không biết mình nợ thuế hoặc không nhận được thông báo của cơ quan thuế, Bộ Tài chính chỉ ra có thể do một số nguyên nhân như: NNT chưa biết cách và nơi tra cứu, chưa thường xuyên tra cứu; chưa cập nhật kịp thời cho cơ quan thuế những thay đổi thông tin đăng ký thuế như thông tin về địa chỉ nhận thông báo thuế, email, số điện thoại; bỏ địa chỉ kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.
Để tránh trường hợp ra đến sân bay, cửa khẩu mới biết nợ thuế và bị cơ quan thuế tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế khuyến cáo NNT thường xuyên tra cứu nghĩa vụ thuế để có kế hoạch nộp thuế đúng hạn, không để tình trạng nợ thuế dây dưa, kéo dài. Chủ động tra cứu thông báo nợ, quyết định cưỡng chế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan thuế gửi NNT.
Đồng thời, NNT cần chủ động cập nhật ngay các thay đổi về địa chỉ nhận thông báo, địa chỉ email, số điện thoại để cơ quan thuế có thể liên hệ hoặc NNT có thể nhận được kịp thời, đầy đủ các thông báo của cơ quan thuế, từ đó NNT có thể xử lý, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
"Trường hợp NNT đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, NNT liên hệ ngay với cơ quan thuế ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh để được hỗ trợ, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo quy định", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Cân nhắc ngưỡng nợ thuế tối thiểu bị tạm hoãn xuất cảnh
Về việc cân nhắc bổ sung quy định ngưỡng nợ thuế tối thiểu hợp lý để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) sẽ căn cứ tình hình thực tế, thực tiễn thực hiện thời gian qua, tham khảo kinh nghiệm quốc tế quy định về ngưỡng của các nước trên thế giới để tiếp thu, tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền cân nhắc quy định ngưỡng nợ phù hợp.
Xung quanh câu chuyện tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên cao cấp về thuế Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, nhìn nhận thời gian qua việc tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế có phần tràn lan; không có tiêu chí để phân biệt, không có ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh như doanh nghiệp nợ thuế bao nhiêu tiền, bị phạt bao nhiêu lần chậm nộp… thì bị tạm hoãn xuất cảnh.
Nhấn mạnh tạm hoãn xuất cảnh là cần thiết, song theo ông Tú, phải tính toán cho phù hợp với tình hình thực tiễn. "Bộ Tài chính cần rút kinh nghiệm và tiến hành sửa đổi; phải đưa ra tiêu chí cụ thể, ví dụ trị giá tiền nợ thuế là bao nhiêu thì bị tạm hoãn xuất cảnh; doanh nghiệp đã bị phạt hành chính mấy lần rồi…".
Sáng 29.10 vừa qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đã trình Quốc hội dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có luật Quản lý thuế.
Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 7 Điều 66 (về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh) theo hướng quy định chỉ có các đối tượng là người đại diện theo pháp luật của NNT và các cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh thuộc trường hợp bị cưỡng chế bị tạm hoãn xuất cảnh.
Tuy nhiên, đề xuất của Chính phủ không đề cập tới nội dung ngưỡng nợ thuế tối thiểu bị áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, vấn đề tạm hoãn xuất cảnh của người đại diện đang có nhiều ý kiến trái chiều. Số lượng các trường hợp phải tạm hoãn xuất cảnh đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây.
Theo cơ quan thẩm tra, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về tác động của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trên thực tế để cân nhắc phương án quy định phù hợp, đảm bảo hiệu quả cưỡng chế và tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết hoặc chưa nên sửa đổi nội dung này vào thời điểm hiện nay.
Trong trường hợp cần sửa đổi nội dung này, đề nghị Chính phủ cân nhắc bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh một cách phù hợp.
Theo Tổng cục Thuế, từ cuối năm 2023, ngành thuế đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.
Tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9.2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỉ đồng.
Cơ quan thuế đã thu được 1.844 tỉ đồng của 2.873 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh (đó là chưa tính đến khoản nợ thuế cơ quan thuế thu được do NNT chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh).
Bình luận (0)