Chiều 28.2, Bộ Tài chính phát đi thông cáo cho biết tỷ lệ động viên thuế vào ngân sách của VN hiện nay không cao so với các quốc gia khác trong khu vực.
Theo đó, việc tính tỷ lệ động viên vào ngân sách của VN có sự khác biệt so với các nước. Cụ thể, khoản thu từ dầu thô, bán đất thuộc sở hữu, thu quyền sử dụng đất nhà nước VN vẫn tính vào ngân sách, trong khi ở các nước đây là phần “vốn” mà nhà nước thu được để đầu tư... Từ các phân tích trên, Bộ Tài chính khẳng định theo số liệu thống kê thì tỷ trọng tổng số thu ngân sách nhà nước trên GDP của VN giai đoạn năm 2011 - 2015 khoảng 23,3%, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%. Còn tỷ lệ này ở Thái Lan là 23%, Indonesia 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia 24,5%, Ấn Độ 19,5%...
Nếu loại bỏ các khoản thu từ vốn như cách tính của nhiều nước thì tỷ lệ động viên ngân sách thuế, phí trong giai đoạn 2011 - 2015, theo Bộ Tài chính, là 20,9% GDP.
Đối với tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính, Bộ Tài chính đánh giá hiện VN đang thu ở mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần. Điển hình như thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời kỳ 10 năm từ 1999 - 2009, thuế suất được điều chỉnh giảm từ mức 32% năm 1999, mức 28% từ năm 2004 và 25% từ năm 2009. Mức thuế suất phổ thông từ năm 2014 là 22%, từ 1.1.2016 xuống mức 20% và mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17%. Trong khi đó, mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; còn một số nước trong khu vực có mức thuế suất phổ thông 30% như Philippines, Thái Lan; Trung Quốc 25%, Malaysia 25%.
Trước đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và truyền thông, tỷ lệ thu thuế/lợi nhuận của doanh nghiệp quá cao, lên tới 40%, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bình luận (0)