Bộ Tài chính yêu cầu Sabeco nộp gần 2.500 tỉ đồng là vi phạm luật doanh nghiệp

13/04/2018 09:59 GMT+7

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), việc Bộ Tài chính yêu cầu phía Sabeco phải nộp lại 2.495 tỉ đồng là trái với luật Doanh nghiệp hiện hành.

Trước đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải nộp lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước (khoảng 2.900 tỉ đồng cho cổ đông, trong đó phần nhà nước chiếm 89,59%/vốn điều lệ với số tiền 2.495 tỉ đồng và cho các cổ đông thiểu số khác với số tiền 289 tỉ đồng).
Trong công văn gửi ngày 12.4 cho các cơ quan liên quan, Vafi phân tích: Theo quy định của luật Doanh nghiệp 2014 thì chỉ có đại hội cổ đông (ĐHCĐ) mới có thẩm quyền quyết định mức cổ tức hằng năm của công ty cổ phần.
Cụ thể, Nghị quyết ĐHCĐ của Sabeco năm 2017 đã thông qua tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2016, bao gồm không chia khoản lợi nhuận chưa phân phối còn lại hơn 2.900 tỉ đồng và trong đó có vai trò quyết định của cổ đông nhà nước là Bộ Công thương.
Như vậy khoản lợi nhuận chưa phân phối trên về bản chất không phải là khoản nợ của doanh nghiệp đối với toàn thể cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước, vì vậy việc Kiểm toán nhà nước và Bộ Tài chính chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco phải chuyển 2.495 tỉ đồng về ngân sách nhà nước là trái với luật Doanh nghiệp hiện hành. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Sabeco hiện nay cũng không có thẩm quyền phân chia cổ tức từ khoản chưa phân phối là 2.900 tỉ đồng mà phải trình cho ĐHCĐ quyết định.
Vafi nhấn mạnh khoản lợi nhuận chưa phân phối 2.900 tỉ đồng chỉ được thanh toán cho các cổ đông khi hội đủ các điều kiện gồm được ĐHCĐ biểu quyết thông qua; sau đó HĐQT sẽ triển khai như công bố chốt ngày hưởng quyền lĩnh cổ tức và xác lập danh sách cổ đông tại ngày chốt quyền đó, chỉ có cổ đông trong danh sách chốt quyền thì mới được hưởng cổ tức. Như vậy nếu ĐHCĐ tới đây của Sabeco biểu quyết thông qua việc phân chia 2.900 tỉ đồng thì cổ đông nhà nước chỉ được hưởng 36% của khoản phân chia này vì nhà nước đã bán bớt cổ phần của mình vào cuối năm 2017.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Vafi cho rằng rất nhiều tồn tại sau hậu cổ phần hóa đã và đang làm thiệt hại quyền lợi của nhiều nhà đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần hóa. Đó là tình trạng doanh nghiệp chậm trễ, chây ỳ hay trốn niêm yết, chậm thoái vốn nhà nước tại hàng ngàn doanh nghiệp, rồi cử nhân sự kém tham gia quản lý vốn nhà nước, rồi tiêu cực tham nhũng trong nhiều doanh nghiệp có cổ phần chi phối tại nhà nước…
“Chúng tôi lên tiếng không phải vì tổ chức cá nhân nào. Mà muốn thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp hay thoái vốn nhà nước thì nhà nước phải giải quyết những tồn tại như trên. Nếu không điều đó sẽ gây rủi ro nhiều cho môi trường kinh doanh, làm giảm lòng tin vào giới đầu tư và giá bán cổ phần nhà nước bị giảm do các nhà đầu tư tài chính phải đưa ra các phương án dự phòng rủi ro”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.