Bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án ngay tại tòa của hội đồng xét xử?

28/05/2024 08:57 GMT+7

Dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi bãi bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự tại tòa của hội đồng xét xử, thay vào đó sẽ yêu cầu viện kiểm sát khởi tố nếu có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Sáng 28.5, kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc. Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi.

Bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án ngay tại tòa của hội đồng xét xử?- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

GIA HÂN


Hội đồng xét xử khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa là rất ít.

Luật Tổ chức TAND năm 2014 (đang có hiệu lực) quy định: khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Quá trình xây dựng luật Tổ chức TAND sửa đổi, nhiều ý kiến đề nghị không quy định TAND có nhiệm vụ khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa như quy định hiện hành.

Ngược lại, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên. Có ý kiến thì lại đề nghị báo cáo tình hình thực hiện quy định trên, nếu bỏ thì cần sửa đổi nội dung này trong bộ luật Tố tụng hình sự.

Bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án ngay tại tòa của hội đồng xét xử?

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, việc khởi tố, điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Trường hợp thiếu chứng cứ thì tòa án trả hồ sơ yêu cầu viện kiểm sát điều tra bổ sung. Nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm, tòa án yêu cầu viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự.

Vì thế, việc bỏ thẩm quyền của hội đồng xét xử khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa sẽ góp phần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác.

Cạnh đó, qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số địa phương cho thấy, hội đồng xét xử khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa là rất ít.

Từ những căn cứ trên, cộng thêm tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật không quy định thẩm quyền của hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa; đồng thời chỉnh lý khoản 1 điều 150 dự thảo như sau: "Sửa đổi, bổ sung khoản 4 điều 153 bộ luật Tố tụng hình sự như sau: "4. Hội đồng xét xử yêu cầu viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm".

Bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án ngay tại tòa của hội đồng xét xử?- Ảnh 2.

Các đại biểu tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV

GIA HÂN

Tòa án sẽ vừa trực tiếp, vừa hỗ trợ thu thập chứng cứ

Vẫn theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến tán thành dự thảo luật về việc tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, trong đó có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được hỗ trợ thu thập chứng cứ.

Ngược lại, nhiều ý kiến không tán thành dự thảo luật và đề nghị quy định trong một số trường hợp cần thiết, tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử. Ý kiến khác thì đề nghị tòa án chỉ hỗ trợ người yếu thế khi họ không có khả năng cung cấp chứng cứ cho tòa án.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, luật hiện hành không quy định phạm vi thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án.

Các luật tố tụng quy định các hoạt động, biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó bộ luật Tố tụng dân sự và luật Tố tụng hành chính quy định nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ.

Thực tế trên khiến nhiều đương sự không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình mà ỷ lại tòa án thu thập, dẫn tới nhiều tòa án quá tải công việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần rà soát để quy định lại cho chặt chẽ việc tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ ngay trong dự thảo luật này.

Tuy vậy, thực tiễn xét xử cho thấy, nếu tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp nhất định thì có thể gặp khó khăn hoặc không giải quyết được vụ án, vụ việc.

Mặt khác, việc quy định tòa án thu thập chứng cứ cần xem xét điều kiện thực tiễn của nước ta như: trình độ dân trí, ý thức pháp luật, hoàn cảnh kinh tế của một bộ phận nhân dân, số lượng vụ việc có luật sư tham gia…

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và một số cơ quan, tổ chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý điều 15 dự thảo luật theo hướng quy định tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu.

Điều 15. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án

1. Trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác, các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án theo quy định của pháp luật.

2. Tòa án hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật.

3. Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của tòa án.

4. Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị tòa án hỗ trợ.

5. Tòa án tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp.

6. Tòa án kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.

7. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

Dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.