Bỏ thi tiếng Anh vào lớp 10 Đà Nẵng: Sở nghi vấn có tiêu cực, đơn vị cung cấp nói Sở 'dễ dãi'

21/05/2019 07:12 GMT+7

Sở GD-ĐT Đà Nẵng quyết định bỏ thi ngoại ngữ ngay trước 'giờ G' kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vì một trong những lý do là nghi ngờ có tiêu cực trong khâu tổ chức thi cấp chứng chỉ để được miễn thi tiếng Anh.

Ngược lại, đơn vị cấp chứng chỉ thì lại khẳng định do Sở quy định miễn thi quá dễ dãi bất chấp họ đã... “can ngăn”.

Khi ban hành quyết định thì hai bên “phối hợp”...

IIG VN tại Đà Nẵng đề nghị điều tra
Ông Tôn Thất Duy, Giám đốc chi nhánh Tổ chức Giáo dục IIG VN tại TP.Đà Nẵng, cho biết trong hôm nay (21.5), IIG sẽ gửi đơn đến UBND TP.Đà Nẵng và Sở GD-ĐT Đà Nẵng đề nghị điều tra và xử lý nội dung nghi ngờ về chất lượng chứng chỉ của trung tâm. Ông khẳng định, đề khảo thí là hoàn toàn bảo mật, không có chuyện IIG thông đồng với giáo viên tên M. ở Q.Ngũ Hành Sơn để dạy cách giải đề cho HS như dư luận phản ánh trước đó. Tuy nhiên, trả lời PV Thanh Niên, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, nhắc lại quan điểm việc điều tra ai đúng ai sai sẽ được thực hiện và công bố ngay sau kỳ thi, để tránh ảnh hưởng đến tâm lý HS.  
An Dy
Tháng 12.2018, Sở GD-ĐT Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2377/QĐ-SGDĐT quy định tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn TP năm học 2019 - 2020 bằng việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để được miễn thi và công nhận điểm 9, điểm 10.
Ngay sau khi Sở GD-ĐT Đà Nẵng công bố quyết định này, trên website của Tổ chức Giáo dục IIG VN (đại diện chính thức của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS)) lập tức thông tin rầm rộ: “Quy định tuyển sinh lớp 1, lớp 6 và lớp 10 tại Đà Nẵng năm học 2019 - 2020 mới được Sở GD-ĐT Đà Nẵng ban hành, tuyển sinh bậc THPT được kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Đặc biệt, học sinh (HS) sở hữu phiếu điểm tiếng Anh quốc tế TOEFL Junior, TOEFL ITP hoặc TOEFL iBT đạt đủ điều kiện sẽ được miễn thi tuyển và nhận ngay điểm 9 hoặc 10 môn tiếng Anh. Đây là cơ hội để các em HS THCS giành lấy tấm vé vào những trường THPT chất lượng theo nguyện vọng của mình từ khi còn học lớp 8, lớp 9...”.
Tổ chức IIG cũng không quên giới thiệu: “Nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với Tổ chức Giáo dục IIG VN phát động kỳ thi TOEFL Junior và TOEFL ITP dành cho học sinh THCS và THPT...”. Kèm theo thông báo này là thông tin cụ thể về số điện thoại và email liên hệ của cơ sở đại diện của IIG tại Đà Nẵng để phụ huynh và HS đăng ký dự thi.
Tuy nhiên, đến ngày 16.5, Sở GD-ĐT Đà Nẵng lại gây sốc khi bất ngờ thông báo văn bản của UBND TP về việc bỏ thi môn ngoại ngữ khi chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là HS lớp 9 ở Đà Nẵng tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Đã từng kiến nghị với Sở GD-ĐT !


Sau đó, trao đổi với báo chí, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho rằng việc quyết định bỏ thi môn ngoại ngữ là do có phản ánh, nghi ngờ về chất lượng một loại chứng chỉ quốc tế. Khi có dư luận phản ánh, Sở đã cho rà soát các chứng chỉ mà các trường THCS nhận được nhằm quy đổi điểm vào kỳ thi lớp 10 môn ngoại ngữ. Trong gần 2.400 chứng chỉ nộp về thì đến hơn 60% HS có học lực môn tiếng Anh từ khá, trung bình và yếu.
Trong khi đó, trả lời phóng viên Thanh Niên (bằng văn bản) vào đêm 19.5, bà Nguyễn Thị Nguyên, phụ trách truyền thông Tổ chức Giáo dục IIG VN, lại cho rằng nguyên nhân của vấn đề quy đổi từ kết quả thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sang thang điểm 10 chưa hợp lý là do mức điểm bài thi quốc tế mà Sở GD-ĐT Đà Nẵng chọn cho HS miễn thi và quy đổi đạt 9 điểm là quá thấp. Trong khi Sở GD-ĐT Đà Nẵng dự định sử dụng quy đổi bài thi quốc tế để miễn thi ngoại ngữ cho HS giỏi tiếng Anh thì mức điểm được Sở lựa chọn để quy đổi đạt điểm 9 trong bài thi TOEFL Junior và TOEFL ITP là mức điểm mà HS học trung bình cũng có thể đạt được. Vì vậy, việc áp dụng thang điểm quy đổi không hợp lý đã dẫn đến những bất hợp lý trên thực tế.
Bà Nguyên còn khẳng định IIG VN đã có Công văn số 1019/IIG-DA1 “Đóng góp ý kiến về việc thực hiện chủ trương miễn thi môn ngoại ngữ tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT và công nhận điểm 10 đối với HS đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế” gửi Sở GD-ĐT Đà Nẵng. Trong văn bản này chúng tôi nêu rõ hai ý, một là chỉ nên để một mức miễn thi là 10 điểm (giống như cách Bộ GD-DT quy định miễn thi đối với tốt nghiệp THPT từ nhiều năm nay). Hai là các mức điểm tối thiểu bài thi tiếng Anh quốc tế để được công nhận điểm 10 và miễn thi môn ngoại ngữ cho HS tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, cụ thể điểm TOEFL Junior 670 điểm và TOEFL ITP là 400 điểm, TOEFL iBT là 31 điểm, IELTS là 4 điểm. Ngay khi Quyết định 2377 của Sở ban hành có hai mức miễn thi (thêm mức miễn thi điểm 9), chúng tôi cũng đã kiến nghị với Sở GD-ĐT Đà Nẵng về mức điểm quy đổi để miễn thi điểm 9 các bài thi tiếng Anh quốc tế chưa phù hợp, HS trình độ trung bình trải qua 4 năm học tiếng Anh ở nhà trường đều có thể đạt được và cảnh báo trước việc này sẽ gây ra sự mất công bằng trong thi cử.
Bà Nguyên còn nói: “Nếu tính theo mức chuẩn IIG đã kiến nghị với Sở GD-ĐT Đà Nẵng thì với hai bài thi TOEFL Junior và TOEFL ITP, tổng số HS nộp phiếu điểm đáng lẽ bị loại sẽ là 671 em (chiếm tới gần 40%) so với chuẩn của Sở đã áp dụng. Riêng Trường THCS Lê Anh Xuân được đề cập trong các thông tin được đăng tải trên báo chí vừa qua, số trường hợp đáng lẽ bị loại là 61/68 em (loại đi 89,7%) so với chuẩn mà Sở đã đưa ra”.
Không chỉ đổ lỗi cho mức điểm mà Sở GD-ĐT quy định quá thấp, đại diện của IIG còn “lên án” giáo viên luyện thi trên địa bàn TP.Đà Nẵng khi cho rằng “mức điểm quá thấp này có thể đã trở thành lý do một số giáo viên luyện thi mạnh miệng cam kết với HS có thể đạt kết quả đủ để được miễn thi vì đây là mức điểm phần lớn thí sinh sẽ đạt được nếu học hết chương trình tiếng Anh lớp 9 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”.
Đại diện IIG lý giải: “Bài thi TOEFL Junior và TOEFL ITP là bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh nên có thang điểm từ thấp đến cao, mọi thí sinh dự thi đều có phiếu điểm phản ánh năng lực của thí sinh thể hiện qua bài thi. “Việc đánh giá đạt hay không đạt, quy đổi sang thang điểm 10 như thế nào phụ thuộc vào chuẩn do đơn vị sử dụng kết quả đưa ra, trong trường hợp này là do Sở GD-ĐT Đà Nẵng quy định”, bà Nguyên tiếp tục khẳng định trách nhiệm của Sở GD-ĐT Đà Nẵng trong sự việc này còn tất cả các kỳ thi của IIG đều được tổ chức đảm bảo yêu cầu về điều kiện vật chất, quy trình, chất lượng của ETS đặt ra.
Tại Hà Nội, việc tổ chức các cuộc thi tiếng Anh, trong đó có cuộc thi TOEFL Junior do IIG tổ chức vốn là sân chơi bổ ích cho HS các trường THCS nhưng những năm gần đây không ít phụ huynh nghi ngờ cuộc thi đã bị thương mại hóa. Kỳ thi năm 2018, không ít phụ huynh tại Hà Nội phản ánh họ ngỡ ngàng vì kết quả thi của vòng 1, có trường THCS ở ngoại thành Hà Nội hơn 100 HS từ lớp 6 đến lớp 9 đi thi, nhiều em tiếng Anh rất kém, chỉ đi thi cho có phong trào nhưng khi thông báo kết quả thì gần như tất cả HS vượt qua vòng 1, đủ điều kiện vào vòng 2. Những HS không làm được bài cũng 50 điểm (mức điểm tối thiểu để lọt vào vòng 2). Sở dĩ có tình trạng này, là vì theo các vị phụ huynh do vòng 1 được tổ chức thi hoàn toàn miễn phí nhưng đến vòng 2 HS tham dự sẽ phải đóng lệ phí thi là 690.000 đồng/HS nên dẫn tới hiện tượng ban tổ chức ồ ạt “tháo khoán” vào vòng 2 để thu lệ phí thi.
Thời điểm đó, khi phóng viên Thanh Niên mang thắc mắc này tới đại diện của IIG thì nhận được trả lời (bằng email) của bà Nguyễn Thị Nguyên rằng: Thông tin 100% HS vượt qua vòng 1, hay không làm được bài cũng được 50 điểm là thông tin “hoàn toàn không có căn cứ”... Tuy nhiên, bà Nguyên từ chối cung cấp thông tin cụ thể khi phóng viên tiếp tục hỏi về tỷ lệ HS tham gia thi vòng 1 đạt yêu cầu vào vòng 2, lượng HS bị loại là bao nhiêu?
Tuyết Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.