Bỏ thời trang, thành nữ đại gia nhờ trồng ớt theo công nghệ Israel ở Sài Gòn

04/04/2018 09:33 GMT+7

Nhờ áp dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ Israel, bà Nguyễn Thị Kim Xuân đã phát triển được trang trại ớt sạch, rộng 3 hecta, mỗi ngày cung cấp thị trường 500kg ớt, thu về hơn 800 triệu đồng/tháng.

Mạnh dạn sản xuất nông sản sạch
Bà Nguyễn Thị Kim Xuân (52 tuổi) sinh ra và lớn lên tại mảnh “đất thép thành đồng” Củ Chi (TP.HCM), gia đình làm nghề nông nhưng bà bước chân vào nông nghiệp khá trễ. Trước đây, sau khi tốt nghiệp ngành Trung cấp Mỹ Thuật TP.HCM, bà gắn bó với công việc thiết kế thời trang, sản xuất trang phục quần áo cung cấp hàng cho các siêu thị.
Video: Thành nữ đại gia nhờ trồng ớt bằng công nghệ hiện đại 
Bà Xuân theo nghề thời trang gần 30 năm. Đến năm 2015, trong một lần nói chuyện qua điện thoại với người chị ruột định cư bên Úc đang phát triển trang trại nông nghiệp bằng công nghệ tiên tiến của Israel cho thu nhập cao, đồng thời nắm bắt nhu cầu cần sản phẩm nông nghiệp sạch của người dân hiện nay, bà Kim Xuân quyết định chuyển nghề sản xuất thời trang sang đầu tư nông nghiệp sạch.
“Trong hai năm gần đây, người dân đang rất hoang mang trước các loại thực phẩm bẩn gây hại sức khỏe và hướng đến sản phẩm sạch. Đồng thời, chị tôi ở bên Úc thường xuyên gọi điện chia sẻ kinh nghiệm và động viên thực hiện trang trại nông nghiệp sạch. Sau nhiều đêm suy nghĩ và bàn bạc với gia đình, tôi mới bắt đầu thực hiện”, bà Kim Xuân chia sẻ.
Cây ớt được trồng cách ly hoàn toàn với mặt đất ẢNH: AN HUY
Nói là làm, bà Xuân mạnh dạn bỏ ra 60 triệu đồng thuê mảnh đất rộng 3 hecta/năm, trên địa bàn xã Trung Lập Thượng (H.Củ Chi) và thuê máy cày về xới đất, vun thành từng luống. Sau đó, bà thuê người phủ bạt nilon lên các luống giữ độ ẩm của đất, ngăn cỏ dại và lấy bọc nilon làm thành các “bầu giá thể” đặt thành từng hàng trên luống đất cách nhau khoảng 5cm.
“Bầu giá thể thực chất là mình mua một bọc nilon chất lượng tốt, sau đó bỏ sơ dừa và các loại phân bón hữu cơ vào. Đặc biệt, trong bầu giá thể được bón rất nhiều phân gà vào để khi trồng ớt, cây sẽ phát triển tốt và cho trái có vị cay sâu”, bà Kim Xuân cho biết.
Cây ớt có thể cho năng xuất cao trong nhiều năm tiếp theo ẢNH: AN HUY
Thu hơn 800 triệu đồng/tháng
Cũng theo bà Kim Xuân, sau khi hoàn thành đặt bịch giá thể lên luống, ngăn cách hoàn toàn với mặt đất, bà tiếp tục

 Khi mọi người trồng ớt trực tiếp xuống đất, đất ẩm thấp nên cây ớt dễ bị nấm. Cây ớt trồng với công nghệ Israel, được cách ly hoàn toàn với đất bằng lớp nilon tránh được các loại bệnh. Có thể thu hoạch nhiều năm liên tiếp nhưng năng suất vẫn tăng cao

Bà Nguyễn Thị Kim Xuân

mua hạt giống ớt chỉ thiên, chỉ địa về ươm cây. Cây lên khoảng 1 tháng sẽ được trồng vào bầu giá thể. Đồng thời, vườn ớt còn được thiết kế hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động để cung cấp độ ẩm và nước cho cây phát triển tốt. Vườn ớt cũng được bọc lưới cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài để tránh côn trùng gây hại.
Cây ớt được trồng với công nghệ này sẽ sinh trưởng tốt, cho nhiều trái. Trái ớt khi chín có độ bóng đẹp, khi bẻ đôi trái ra sẽ có mùi thơm. “Khi mọi người trồng ớt trực tiếp xuống đất, đất ẩm thấp nên cây ớt dễ bị nấm. Cây ớt trồng với công nghệ Israel được cách ly hoàn toàn với đất bằng lớp nilon tránh được các loại bệnh. Có thể thu hoạch nhiều năm liên tiếp nhưng năng suất vẫn tăng cao. Cây ớt khi trồng xuống, sau hai tháng bắt đầu ra trái và từ tháng thứ 3 trở đi là bắt đầu thu hoạch”, bà Xuân nói.
Theo bà Xuân, mỗi ngày thu hoạch toàn vườn ớt rộng 3 hecta, bà thu được khoảng 500kg, cung cấp cho các siêu thị trên địa bàn TP.HCM giá 55.000 đồng/kg. Tính ra thu nhập một tháng khoảng hơn 800 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Thị trường ớt ở TP.HCM đang cần rất nhiều, mỗi ngày cung cấp sản lượng ớt lớn như vậy nhưng trại ớt của bà bán ra vẫn không đủ. Cây ớt trồng theo công nghệ này không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng nitrat nên an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
“Ngoài trồng ớt, tôi cũng đang nghiên cứu trồng các loại rau quả như: mướp, bầu, bí, khổ qua, rau cải, mồng tơi..., theo công nghệ Israel trong thời gian tới, mong mang đến nguồn thực phẩm sạch và an toàn nhất cho mọi người tiêu dùng để đảm bảo sức khỏe”, bà Xuân chia sẻ. Hiện tại, trang trại ớt của bà Xuân tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương, có ngày công từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày.
Ớt được bà Kim Xuân đóng gói trước khi cung cấp hàng cho các siêu thị ẢNH: AN HUY
Vườn ớt rộng 3 hecta mang lại cho bà Xuân doanh thu hơn 800 triệu/tháng ẢNH: AN HUY
Những trái ớt chín bóng loáng đẹp mắt, trước khi được thu hoạch cung cấp ra thị trường ẢNH: AN HUY
Công nhân thu hoạch ớt tại vườn của bà Nguyễn Thị Kim Xuân ẢNH: AN HUY
Vườn ớt rộng 3 hecta trồng bằng công nghệ nông nghiệp tiên tiến Israel của bà Kim Xuân ẢNH: AN HUY
Cây ớt trồng bằng công nghệ Israel cho ra trái đẹp, sạch và an toàn với người tiêu dùng ẢNH: AN HUY
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.