Bỏ thu nhập 6.000 USD vì không xem lương là mục đích cao nhất để làm việc

09/11/2018 19:02 GMT+7

Bên cạnh một số bạn trẻ ngại thay đổi, muốn ổn định, chấp nhận mức lương không cao, thì vẫn còn nhiều người từ bỏ mức lương hàng ngàn USD để được làm việc trong môi trường mà họ yêu thích.

Lương không quan trọng?
Năm 2017, Lê Yên Thanh, người được ví là "chàng trai vàng của tin học Việt Nam" khi đó đang có kỳ thực tập ở Google quyết định về nước để hợp tác khởi nghiệp cùng Nguyễn Minh Thảo, người sáng lập và giám đốc điều hành Umbala, đã khiến nhiều người bất ngờ.
Bởi lẽ Thanh đã trải qua những vòng phỏng vấn ở Google, có thể nhận mức lương hơn 6.000 USD mỗi tháng nếu làm việc ở một trong những công ty lớn nhất thế giới này. Thế nhưng, Thanh từ bỏ để khởi nghiệp. Giờ đây, chàng trai 24 tuổi quê ở An Giang này, đã có những thành công nhất định về khởi nghiệp, đang là giám đốc công nghệ, đồng sáng lập Jobhop.
Vì sao có quyết định "khác người" như thế? Thanh trả lời: "Nhiều người đặt mục tiêu phải có lương cao sau khi ra trường. Nhưng bản thân mình lại có suy nghĩ khác. Mình muốn bản thân có cơ hội phát triển hơn, chứ không phải tới cuối tháng nhận lương là xong".
Được biết, thời gian đầu về làm ở công ty Umbala, mức lương của Thanh nhận chỉ bằng khoảng 1/10 mức lương mà Google trả. "Một mức lương không cao, chỉ vừa đủ sống, nhưng mình vui và hài lòng", Thanh nói.

Không ít người trẻ có tư duy ngược giống như Thanh, họ có thể lập tức từ chối cơ hội được làm việc ở những công ty tầm cỡ thế giới, xua tay trước những mức lương cực kỳ cao... vì với họ, lương không phải là tất cả. Họ đặt ra những mục tiêu khác, nhất là giúp bản thân phát triển hơn nữa, chứ không chấp nhận cuộc sống văn phòng nhàm chán, sáng đến công ty, chiều về nhà, tới tháng nhận mức lương cao ngất ngưởng. Họ muốn thử thách bản thân trước khối lượng công việc nhiều, muốn thử sức mình trong những "thế khó" hơn, tìm cách giải quyết, để nâng cao các kỹ năng về làm việc nhóm, giải quyết công việc, vượt qua áp lực... 
Đỗ Thị Hoa, 31 tuổi, người từng khiến bạn trẻ ở Hàn Quốc ngưỡng mộ khi không phải là người Hàn Quốc nhưng vẫn có thể đạt giải cao trong cuộc thi khởi nghiệp K-Startup Grand Challenge, cũng có quyết định tương tự.
Tốt nghiệp Trường Seattle University (Mỹ), mức lương đầu tiên mà cô gái này nhận được khi vừa ra trường đó là... 40.000 USD. Con số đáng mơ ước của bất kỳ sinh viên nào mới tốt nghiệp. Hoa cũng từng có thời gian thực tập, thử việc ở nhiều công ty tầm cỡ khác với mức lương cực cao như ở đài NBC, McDonald's. Thậm chí Google không những đưa ra mức lương cao mà còn đề bạt Hoa đảm trách một vị trí quan trọng ở khu vực châu Á và Trung Đông...
Nhưng Hoa chỉ làm được một thời gian, vì cho rằng 40.000 USD mỗi tháng ấy không đem lại hạnh phúc cho bản thân, khi làm ở một môi trường làm việc không thoải mái, đó là một công ty quảng cáo ở TP.New York (Mỹ). "Môi trường làm việc khá nhàm chán, vẫn là những công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày, không khiến mình hứng thú trong công việc, không cho mình có nhiều cơ hội để phát triển... Thế nên mình nghỉ để khởi nghiệp", Hoa kể.
Đỗ Thị Hoa (trái), từ bỏ mức lương hàng chục ngàn USD để khởi nghiệp và cho rằng lương không phải là mục đích để làm việc ẢNH: NVCC
Ba năm nay, Hoa khá thành công trong cương trị giám đốc điều hành Yppuna, công ty khởi nghiệp với sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ.
"Người trẻ muốn phát triển bản thân hơn nữa, theo từng ngày, thì không nên xem lương là mục đích cao nhất để làm việc", Hoa chia sẻ quan điểm của bản thân.
Tốt nghiệp chuyên ngành quan hệ công chúng với bằng giỏi, Trần Tuấn Kiệt (25 tuổi, TP.HCM) ra trường và được nhận vào làm ở một công ty truyền thông có thương hiệu ở TP.HCM với mức lương 18 triệu mỗi tháng. Ngày còn là sinh viên, Kiệt chỉ mong sao ra trường có việc làm, có lương khoảng 8 - 9 triệu đồng để sống được ở TP.HCM, nhưng mức lương được nhận vượt qua sự mong đợi ấy rất nhiều.

Nhưng chỉ làm 4 tháng, Kiệt quyết định nghỉ việc. Lý do, theo Kiệt là vì không thoải mái trong môi trường làm việc đầy sự đố kỵ, ganh ghét của những người đồng nghiệp. "Khi mình làm được, được trọng dụng, được khen thưởng, đã bị nhiều 'ma cũ' cảm thấy không hài lòng. Nhiều ý tưởng mình đề xuất được sếp lớn ký duyệt thực hiện đã khiến họ cảm thấy không ưng ý. Họ đâm chọt, chơi xấu, nói điều không đúng sau lưng. Mình nghĩ 'việc ai người đó làm', không quan tâm người khác nói gì, chỉ hết sức nỗ lực để đóng góp cho công ty, nhưng thấy mỗi ngày đi làm khá nặng nề, không thoải mái với môi trường làm việc như thế nên mình xin nghỉ việc".
Giờ đây, Kiệt làm tự do, hàng ngày "tung tẩy" với những ý tưởng sáng tạo của bản thân về các nội dung PR, ý tưởng quay dựng phim... để bán cho nhiều công ty quảng cáo, thương hiệu trên khắp cả nước.
Có tiếc không khi rời xa cuộc sống của một nhân viên lương cao ngất ngưỡng và có nơi làm việc ổn định kia, để giờ phải làm tự do? Kiệt khẳng định: "Không. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Lương không phải là thước đo thành công của một người, càng không phải là mục đích duy nhất của mình. Hạnh phúc nhất, là được làm điều mình muốn, tự do sáng tạo một cách thoải mái nhất".
Thêm một lý do mà những người trẻ "nói không" với mức lương cao ở những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, chấp nhận mạo hiểm "đi ngược gió", đó là vì: "Nếu bạn làm việc ở Google, Facebook - hai 'gã công nghệ' lớn, chỉ khi bạn quá giỏi mới được làm những việc thật sự quan trọng. Còn không, bạn chỉ được làm những việc bình thường, xử lý những việc rất nhỏ. Nếu như vậy, bạn chỉ là những con vít nhỏ trong bộ máy quá to. Từ đó, tài năng của bạn, theo thời gian, chắc chắn sẽ bị thui chột. Không có cơ hội để phát triển năng lực", Nguyễn Minh Thảo, Giám đốc điều hành và sáng lập ứng dụng Umbala, nói.
Không có lương thì sao sống?
Thế nhưng thực tế cho thấy không phải người trẻ nào cũng dám làm những điều đi ngược số đông, không phải ai cũng có tư duy ngược kiểu như Hoa hay Thanh. Để rồi họ coi lương là yếu tố quan trọng nhất để làm việc. Họ miệt mài lao động hằng ngày với mong muốn duy nhất là tăng lương, đảm bảo được cuộc sống ổn định.
Đang là trưởng phòng kinh doanh một công ty TNHH lĩnh vực thời trang ở Q.7, TP.HCM, Lê Tuấn Phong (27 tuổi) thừa nhận bản thân đi làm là vì tiền. "Ai cũng có những mong muốn trong công việc, với mình là cố gắng làm tốt, để có thể hưởng mức lương tương xứng", Phong nói.
Khi được hỏi liệu đã từng gặp những tình huống như: bị sếp chèn ép, môi trường làm việc không thoải mái, bị ganh ghét... hay chưa?, Phong thú thật "không chỉ gặp một, mà rất nhiều lần". Đó là những lần dù đưa ra những đề xuất mang tính khả thi cao nhưng vẫn không được chấp nhận, bị đồng nghiệp nói xấu khi được đề bạt chức cao trong thời gian quá nhanh..., thế nhưng chàng trai này vẫn chấp nhận mặc kệ mọi thứ, vẫn làm, vì không muốn thay đổi, không muốn mạo hiểm nghỉ việc để xin qua công ty khác, và cảm thấy lo "không biết nơi khác có trả được mức lương 15 triệu đồng/tháng như ở công ty này hay không".
"Không có lương thì làm sao sống?", Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng ở TP.HCM, phản bác những ý kiến đi làm không phải vì lương.
Tuyết nói thêm: "Hơi thực dụng, nhưng đa phần mọi người vẫn phải đi làm với mục đích vì lương. Có lương mới có chi trả những chi tiêu trong cuộc sống. Thoải mái trong công việc, tự do sáng tạo, nhưng lương quá ít, không nghĩ đến lương thì sống thế nào?"
Đi làm vì lương, nhưng nhiều người không dám tìm kiếm mức lương cao hơn ở những môi trường làm việc mới. Bởi lẽ vì họ "ngại thay đổi", "muốn sự ổn định", thế nên có những người đi làm 6, 7 năm vẫn chấp nhận mức lương 7, 8 triệu mà công ty trả. "Nghĩ đến việc xin nghỉ việc, tìm công việc mới, mình thấy oải, nên thôi, cứ làm việc tà tà thế này, ngày 8 tiếng, tháng 8 triệu, đủ sống là được rồi", Nguyễn Hoài Bảo, nhân viên một công ty du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, nói
Kiệt bảo: "Thật khó hiểu nhiều người đi làm bị chèn ép đủ đường, môi trường làm việc ngột ngạt vô cùng, thế nhưng vẫn chấp nhận kiểu cam chịu để làm. Thử mạnh dạn thay đổi bản thân, biết đâu đó sẽ làm được công việc yêu thích hơn".
Vậy làm thế nào để hài hòa giữa yếu tố lương và môi trường làm việc? Lê Trương Tuấn Nghĩa, phó giám đốc điều hành một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực giáo dục ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho rằng: "Hãy thử sức mình ở nhiều công ty, tìm được nơi phù hợp nhất, cảm thấy ổn định nhất, khiến tâm trạng đi làm ngày nào cũng vui vẻ, thoải mái, thì quyết định gắn bó với nó. Có thể ban đầu sẽ phải chấp nhận hưởng mức lương không cao. Nhưng nếu thể hiện được năng lực của bản thân, thì chắc chắn sẽ được chi trả tương xứng".
Ở một góc nhìn khác, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: "Tại sao phải đi làm thuê, chấp nhận an nhàn với mức lương hằng tháng trong khi phải làm chung với những đồng nghiệp không ra gì, môi trường làm việc thì bí bách, hằng ngày bị chèn ép...? Có gì đâu mà phải hãnh diện khi thấy mức lương mình cao, trong khi mình đang đi làm thuê cho ý chí của người khác? Tại sao không nghỉ việc đi, mở quán cà phê đi, nghỉ việc về quê để chăn lợn đi, vì có thể giúp bản thân giàu có hơn, có cuộc sống thoải mái, hạnh phúc hơn rất nhiều lần. Tôi là tôi rất ngưỡng mộ những người trẻ như thế".
Còn bạn, ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.