Đó là thông tin ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ thẩm định đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT) chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN-MT diễn ra sáng nay, 20.7.
Ông Nguyễn Xuân Hải cho rằng, nhận thức của Bộ TN-MT, đây là dự án có quy mô lớn, việc thực hiện vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và có đặt ra những mục tiêu cụ thể trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Bộ TN-MT đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt.
Ông Hải khẳng định, Quyết định số 220 ngày 28.1.2019 của Bộ TN-MT về phê duyệt ĐTM của dự án lấn biển Cần Giờ được thực hiện theo đúng quy định tại luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 18 và Thông tư số 27. ĐTM của dự án được tiến hành cẩn trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật, trải qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa. Báo cáo ĐTM của dự án cũng đã được thông qua bởi hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu.
Dự án nằm ở vị trí không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ
Cụ thể, quyết định phê duyệt ĐTM gồm các nội dung chính: xác định phạm vi, quy mô của dự án; các yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án và các điều kiện kèm theo.
Để đảm bảo tính khách quan, hồ sơ ĐTM về dự án lấn biển Cần Giờ còn có các báo cáo chuyên đề của các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài có uy tín thực hiện, gồm: báo cáo ĐTM của Khu đô thị du lịch Cần Giờ từ các chuyên gia quốc tế; báo cáo ĐTM chiến lược quy hoạch khu đô thị Cần Giờ; báo cáo đánh giá tác động giao thông do Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải; báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học...
Đáng chú ý, ông Hải cho biết, dự án lấn biển Cần Giờ được xác định nằm kế cận vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Theo đó, dự án nằm ở vị trí không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ và việc thực hiện dự án hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO, với những biện pháp thi công tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam.
Qua các mô hình tính toán khi đánh giá, thẩm định ĐTM, dự án có tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ.
“Bộ TN-MT yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án phải giữ được rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phải có các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp, nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi với dòng chảy, xói lở, thoát lũ, ô nhiễm môi trường”, ông Hải nói.
Dự án lấn biển Cần Giờ nằm ở vị trí cách vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18 km về phía bắc; nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và rừng ngập mặn và kế cận với khu vực chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển; cách luồng hàng hải sông Xoài Rạp khoảng 2,7 km và sông Lòng Tàu là 4,5 km.
Dự án cách khu du lịch sinh thái Vàm Sát 17 km về phía tây bắc và cách khu căn cứ Vàm Sát đảo Khỉ 4 km.
Theo chủ đầu tư, quy mô dân số dự kiến là 228.506 người và khoảng 9 triệu lượt khách du lịch/năm; tạo ra công ăn việc làm cho 25.000 lao động.
Dự án sẽ tạo ra quỹ đất đủ lớn, tạo điều kiện tăng thu ngân sách qua tiền thuê sử dụng đất, cho thuê đất, mặt nước, hoạt động sản xuất kinh doanh…
Khi hoàn thành, dự án dự kiến sẽ đóng góp khoảng 2.900 tỉ đồng/năm cho ngân sách và khoảng 2 - 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa cho TP.HCM.
|
Bình luận (0)