Bộ TN-MT đang rà soát
Trao đổi với Thanh Niên về việc tỉnh Thái Bình muốn "xóa sổ" khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho hay, sau khi truyền thông đưa tin về vụ việc, đơn vị này đã cử cán bộ rà soát toàn bộ các quy định pháp luật và thực tiễn. Quá trình rà soát thông tin sẽ mất thời gian, ngay khi có kết quả sẽ thông tin rõ ràng, chi tiết.
Cũng liên quan đến vụ việc, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho rằng, việc thu hẹp tới 90% khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải cần thận trọng, tuân thủ luật pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế.
Theo WWF, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải nằm về phía bắc cửa biển sông Hồng. Còn phía nam cửa sông là Vườn quốc gia Xuân Thủy. Hai khu vực này có thể duy trì một đơn vị sinh thái liên tục. Từ năm 1989, Vườn quốc gia Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam.
Ngày 24.1.1995, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có công văn về việc mở rộng khu vực Ramsar bao gồm cả cồn Vành và cồn Thủ, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải.
Đây cũng là một trong 2 vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và là một trong các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2004.
Với tổng diện tích quy hoạch là 12.500 ha. Trong đó, có 9.000 ha thuộc vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt, 3.500 ha vùng phục hồi sinh thái và vùng đệm rộng 1.700 ha là địa bàn dân cư của 3 xã Nam Hưng, Nam Phú, Nam Thịnh. Trong khu bảo tồn có 12 kiểu sinh cảnh chính. Trong đó, quan trọng nhất là sinh cảnh bãi cát ngập triều, trảng sậy và rừng ngập mặn.
Ngoài ra, các bãi bồi ngập triều cũng là một sinh cảnh quan trọng, là nơi kiếm ăn của các loài chim ven bờ.
Theo các kết quả khảo sát của Viện Môi trường và Phát triển (CRES), khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải có mức độ đa dạng sinh học cao, đây là nơi cư trú của hơn 150 loài chim nước, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như bồ nông chân xám, cò thìa và mòng bể mỏ đen. Đặc biệt có 8 loài chim và 2 loài động vật (rái cá và cá thủ vàng) thuộc loài đặc hữu quý hiếm.
Đây cũng là nơi sinh sống của hơn 100 loài thủy sinh bao gồm hơn 80 loài cá và 20 loài giáp xác, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế như tôm sú, ngao, cua, cá vược, cá đối… Ngoài ra, còn có hơn 180 loài cây rừng ngập mặn (sú, vẹt, bần, mắm....).
Không nên đánh đổi thiên nhiên để phát triển kinh tế
WWF cho rằng, theo quyết định 731/QĐ-UBND ngày 17.4.2023 của UBND tỉnh Thái Bình, diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải sẽ còn 1.320 ha, bao gồm phần đất có rừng ngập mặn là 632 ha và đất chưa có rừng là 688 ha. "Điều này có nghĩa là diện tích của khu bảo tồn đã giảm đi 89,44% so với diện tích được công nhận theo quyết định số 2159/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình năm 2014 (12.500 ha) với khu rừng đặc dụng Tiền Hải", đại diện WWF cho hay.
Theo WWF, Việt Nam là một trong 16 quốc gia giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới, nhờ sự đa dạng về hệ sinh thái, các loài động/thực vật, các loài đặc hữu và nguồn gen quý hiếm. Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải là 1 trong 63 khu vực được xác định là vùng chim quan trọng (IBA) có ý nghĩa toàn cầu ở Việt Nam.
IBA quan trọng không chỉ đối với các loài chim, mà còn quan trọng đối với nhiều nhóm động vật, với sức khỏe và kinh tế của con người thông qua việc bảo vệ các lưu vực, điều tiết lũ hoặc cung cấp tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là một trong 2 vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một trong các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2004.
WWF lưu ý, trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Trong khi đó, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, đặc biệt là các dải rừng ngập mặn, sẽ là những lá chắn tốt nhất để bảo vệ sinh mạng, tài sản cũng như sinh kế của người dân ven biển.
"WWF rất mong các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp sẽ cùng chung tay góp sức để bảo tồn thiên nhiên vì sự phát triển bền vững, bảo tồn những di sản thiên nhiên và văn hóa quý giá của đất nước. Đặc biệt cần cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế. Do đó, việc điều chuyển quy hoạch các khu bảo tồn theo hướng thu hẹp, gây tác động tiêu cực đến bảo tồn cần hết sức cẩn trọng, và phải dựa trên đánh giá tác động môi trường và tuân thủ chặt chẽ quy trình tham vấn tất cả các bên liên quan", đại diện WWF chia sẻ.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 22.8
Bình luận (0)