Bố tôi người làng Phùng Khoang, nay thuộc Q.Thanh Xuân (Hà Nội) và là học sinh Trường Bưởi, tức Trường THPT Chu Văn An ngày nay. Ông cũng từng có tên trong tốp thanh niên Hà Nội đầu tiên bơi qua hồ Tây.
Năm 1946, kháng chiến toàn quốc nổ ra, bố tôi là đội viên đội trinh sát Lãng Bạc, rồi cùng cơ quan lên chiến khu, gặp mẹ tôi dân làng Chèm (H.Từ Liêm, Hà Nội) tản cư ở Vũ Ẻn (Phú Thọ). Hai người lấy nhau, sinh ra tôi.
Tôi được hơn một tuổi thì mẹ mang tôi về quê. Năm 1954, bố tôi cùng cơ quan về tiếp quản thủ đô mới gặp mẹ con tôi và tá túc luôn ở quê vợ cho đến khi qua đời vào năm 1984. 30 năm ở quê vợ, bố tôi được dân làng khen là mẫu mực, hiền lành.
Ông làm trong ngành công an, cơ quan thoạt đầu đóng ở phố Hàng Trống, sau chuyển qua Hỏa Lò rồi về 86 Trần Hưng Đạo, cách nhà ở Chèm xấp xỉ 12 cây số. Vậy mà bố tôi ngày nắng cũng như mưa, trừ những khi ở lại cơ quan trực hoặc có công việc đột xuất, ông vẫn đều đặn đạp xe ngày hai buổi đi về.
Trước nhà tôi ở ven đê, trên mảnh đất hơn 1.000 m2 của bà ngoại để lại. Năm 1960, nhà nước thông báo xây cột điện cao thế vượt sông Hồng, các nhà dân dưới chân cột phải chuyển chỗ ở. Nhà tôi là hộ đầu tiên tình nguyện dọn đi. Lúc đầu, mẹ tôi bảo: “Để nghe ngóng thế nào đã”, bố tôi bảo: “Tôi là cán bộ công an, Chính phủ lệnh thế nào thì phải thực hiện thế ấy”.
Cột điện xây xong, nhiều nhà không chấp hành, cứ ở lại và vẫn tồn tại. Mảnh đất hơn 1.000 m2 của nhà tôi giờ nhiều người chiếm xây hàng ăn, hàng bán tre nứa. Nhà mới của gia đình tôi cách đường đê gần nửa cây số, nhưng suốt 24 năm, mỗi chiều về, khi đến đầu dốc chân đê, bố tôi đều xuống xe đạp, dắt bộ về.
Ai hỏi sao không đi xe, bố trả lời: “Tôi là cán bộ công an nên phải gương mẫu, đạp xe nhỡ va vào người làng, nhất là các cháu nhỏ thì không nên”.
Năm 1958, Hà Nội có cơn bão to chưa từng thấy, mãi 9 giờ tối ngớt bão, bố tôi mới về. Ông mang theo con cò nhặt được ở ngã tư Nhật Tân. Nó cắm mỏ xuống đất vì gió to quá, mà lại gẫy chân, bố tôi lấy mùi xoa băng chân cho nó. Vài hôm sau con cò bình phục, bố tôi mang ra bờ sông thả và bảo cho nó về nhà, để gia đình nó khỏi lẻ đôi.
Chuyện tiếp theo là rặng ổi Nghi Tàm.
Không biết hình thành từ bao giờ, chỉ biết khi tôi lớn lên thì rặng ổi đã nổi tiếng khắp vùng. Rặng ổi kéo dài trên dưới hai cây số, từ ngã ba Tô Ngọc Vân đến ngã ba Âu Cơ. Hai bên đường chỉ duy nhất là cây ổi mọc ken nhau, mọc san sát, quả tròn và bóng, cắn giòn tan, ngọt lịm. Khoảng tháng 4 âm lịch, ổi bắt đầu ra hoa. Giữa đám lá xanh mướt là từng chùm hoa ổi trắng gọi ong bướm dập dìu bay về.
Vào mùa ổi, khoảng từ tháng 5 đến xấp xỉ cuối tháng 7 âm lịch, mỗi bận đi qua rặng ổi Nghi Tàm, không gian đều ngan ngát mùi thơm của ổi chín. Người nào đi qua cũng dừng lại ngắt một trái ở đầu cành chìa ra mặt đường. Trai gái Hà Nội thuở ấy yêu nhau hầu hết đều lên rặng ổi Nghi Tàm tình tự. Còn tôi khi tập xe đạp đã được bố cho đạp xe từ Chèm xuống rặng ổi. Tối đó có trăng, bóng những cành ổi rập rờn trong ánh trăng soi xuống mặt đường. Mùi ổi chín lãng đãng trong không gian đến giờ vẫn vương vấn trong tôi.
Ngày ấy, các lứa đôi chỉ rập rình ở rặng ổi cùng lắm đến gần 7 giờ tối. Thời đó chưa có đèn đường, khi bóng tối trùm xuống, rặng ổi hấp dẫn ban ngày bỗng trở thành âm u, huyền bí. Có người đồn, rặng ổi Nghi Tàm có cướp, có ma và cả yêu tinh.
Một lần bố tôi về và kể sáng hôm đó khi đến rặng ổi thì thèm thuốc lá, thấy một người đứng tựa gốc ổi bên đường, ông xuống xe, đến gần xin lửa. Khi vỗ vai thì tá hỏa vì người đó đã chết từ bao giờ. Ông đã cùng cơ quan đi tìm thân nhân của người bất hạnh và được biết đó là một người mắc bệnh tâm thần, bỏ nhà đi từ lâu.
Bây giờ, mỗi bận đi qua nơi có rặng ổi thân quen của Hà Nội một thuở, nhìn những tòa nhà cao tầng lấp lóa kính, lúc nào tôi cũng mường tượng đến hình ảnh bố tôi, ông công an bình dị đạp xe giữa rặng ổi xanh thẫm, ngan ngát mùi ổi chín.
Với tôi, đó là những hình ảnh đẹp nhất, cụ thể nhất về Hà Nội một thuở.
|
Bình luận (0)