Bố trí nguồn vắc xin phòng Covid-19 để 'cứu' cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

29/09/2021 16:47 GMT+7

Hoạt động giết mổ gia súc , gia cầm có môi trường làm việc đặc thù, không đảm bảo để thực hiện “3 tại chỗ” khiến hàng nghìn cơ sở tại Hà Nội, TP.HCM phải đóng cửa. Bộ NN-PTNT đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ các sở giết mổ.

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông nghiệp 9 tháng năm 2021, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 29.10, bà Nguyễn Thu Thủy, Cục phó Cục Thú y, tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giết mổ trong dịch Covid-19 dự báo ảnh hưởng trực tiếp nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến kết nối cung cầu giết mổ và vận chuyển thực phẩm. Ở nhiều địa phương, cơ sở giết mổ có người nhiễm Covid-19 là phải đóng toàn bộ cơ sở đã ảnh hưởng một loạt chuỗi cung ứng thực phẩm. Điển hình là chuỗi Vissan ở TP.HCM và Công ty Thanh Nga ở Hà Nội khiến nhiều siêu thị VinMart phải tạm dừng hoạt động.

Thống kê của Cục Thú y, các địa phương đang có dịch Covid-19 hiện có 1.800 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải ngừng hoạt động. Hà Nội và TP.HCM là 2 địa bàn tập trung nhiều cơ sở giết mổ quy mô lớn, hiện đại nhưng đến nay đã có 170 cơ sở phải đóng cửa hoàn toàn, 210 cơ sở duy trì công suất dưới 50% nhưng không đảm điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” nên nhiều đơn vị buộc phải đóng cửa. Đặc biệt, tại Hà Nội, có những cơ sở cung cấp 30% sản lượng thịt cho thủ đô buộc phải đóng cửa 2 - 3 tuần đã ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm.

Theo bà Thủy, để duy trì hoạt động trong điều kiện dịch Covid-19, yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức sản xuất theo nguyên tắc “3 tại chỗ”. Nhưng ở cơ sở giết mổ thì điều kiện vệ sinh rất kém nên công nhân không thể “3 tại chỗ", điều kiện duy nhất có thể thực hiện được là tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân và tuân thủ "nguyên tắc 5K".

Bà Thủy cũng cho biết, ngoài cơ sở giết mổ, trong ngành thú y còn có mảng sản xuất về thuốc thú y. Nhưng không giống như các nhà máy khác, các nhà máy sản xuất thuốc thú y phải theo tiêu chuẩn GMP-WHO theo một chu trình khép kín. Các công xưởng theo vòng khép kín thì rất khó bố trí công nhân ở lại.

Bà Thủy nhấn mạnh, cơ sở giết mổ ngừng hoạt động ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi, sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm ra thị trường. Lao động trong các lò mổ rất đặc thù, họ tiếp xúc nhiều người đưa lợn từ các tỉnh về, người đến vận chuyển thịt đi tiêu thụ nên để đảm bảo an toàn thì nhất thiết phải được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

“Nhưng thực tế ở các địa phương hiện nay, số lượng công nhân giết mổ được tiêm vắc xin Covid-19 là không nhiều. Trong các hội nghị gần đây, các địa phương nói chung, Hà Nội và TP.HCM cũng tha thiết đề nghị sớm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân lao động ở các lò mổ”, bà Thủy nói.

Bản tin Covid-19 ngày 29.9: Ngày ghi nhận số ca khỏi bệnh kỷ lục | TP.HCM tiếp tục gỡ nhiều chốt

Bố trí nguồn vắc xin riêng cho cơ sở giết mổ

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, chia sẻ thực tế chỉ đạo Tổ công tác 970 tại các tỉnh phía nam, nhiều cơ sở giết mổ tại TP.HCM ngừng hoạt động, đứt gãy khiến các sản phẩm chăn nuôi bị dồn ứ, trong khi nguồn cung thực phẩm không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Ông Nam cho rằng, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp phải tập trung hỗ trợ các cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất sớm vận hành hoạt động trở lại.

tran-thanh-nam

Ông Trần Thanh Nam thông tin, đã đề xuất Bộ Y tế ưu tiên vắc xin cho lao động ngành nông nghiệp để sớm khôi phục sản xuất

Minh Long

“Theo tinh thần đó, tôi đã đề xuất và trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và anh Sơn đã đồng ý sẽ cấp riêng cho ngành nông nghiệp nguồn ưu tiên vắc xin Covid-19 để tiêm vắc xin cho công nhân trong các doanh nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất theo chuỗi giá trị.

Từ nay đến cuối năm, sẽ ưu tiên vắc xin Covid-19 tiêm cho công nhân ở cơ sở giết mổ, xay xát gạo, gặt đập liên hợp… để sớm khôi phục lại sản xuất ở các ngành này” ông Nam nói.

Thứ trưởng Nam thông tin thêm, trong tháng 10, khi có vắc xin về, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay. Ông Nam cũng đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thông báo đến các hiệp hội chế biến thủy sản, chế biến gỗ, cá tra, lương thực để tổng hợp thống kê nhu cầu tiêm vắc xin trước ngày 11.10.

Bộ NN-PTNT không trực tiếp nhận vắc xin nhưng sẽ gửi danh sách đăng ký sang Bộ Y tế để điều phối trực tiếp cho các tỉnh. Các địa phương có sẽ có 2 nguồn vắc xin, một nguồn phân bổ thông thường và một nguồn phân bổ theo đề xuất của Bộ NN-PTNT để các địa phương tiêm cho lực lượng lao động ở các doanh nghiệp”, ông Nam nói về cách làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.