Sáng 7.6, Quốc hội chuyển sang phần chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt. Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) chất vấn: xin bộ trưởng cho biết, trong những năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?
Bên cạnh đó, ông Vân cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết đâu là "điểm kích nổ" về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?
Hồi đáp đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt nói, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm KH-CN, đổi mới sáng tạo. Kinh tế hết sức khó khăn, Quốc hội vẫn bố trí kinh phí cho KH-CN, dù không đáp ứng 2% GDP như Nghị quyết 20 của T.Ư và trong luật Khoa học công nghệ, song cũng được 0,64% tổng chi ngân sách nhà nước...
Thấy Bộ trưởng Bộ KH-CN có vẻ "lạc đề", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân là có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước ứng dụng được, mang lại hiệu quả thiết thực. "Nôm na là bao nhiêu đề tài không phải để ngăn kéo...", Chủ tịch Quốc hội nhắc.
Trở lại với nội dung chất vấn sau khi được Chủ tịch Quốc hội nhắc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói hoạt động KH-CN là hoạt động đặc thù, nghiên cứu tìm cái mới nên có thể thành công hoặc không thành công; có thể thành công sớm, thành công muộn...
"Cho nên, tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài nghiên cứu đưa vào ứng dụng phải nói đó là cái rất khó xác định", Bộ trưởng Bộ KH-CN nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, "cái quan trọng" là làm sao xác định được kết quả nghiên cứu khoa học trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phục vụ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho bản thân các nhà khoa học, đóng góp cho uy tín của các cơ quan nghiên cứu.
"Vừa qua, chúng ta thấy kết quả nghiên cứu rõ ràng là góp phần cho việc xếp hạng các trường đại học của chúng ta trong khu vực và quốc tế. Tới thời điểm này, có 9 trường đại học của chúng ta đã xuất hiện trên bản đồ xếp hạng thế giới", ông Đạt nói.
Bộ trưởng Bộ KH-CN: “Rất khó xác định bao nhiêu nghiên cứu được đưa vào ứng dụng”
Chuyển giao, ứng dụng không phải nhiệm vụ chính của nhà khoa học
Nhấn mạnh một lần nữa rằng các đề tài nghiên cứu có rủi ro, độ trễ và không phải lúc nào đề tài nghiên cứu cũng có kết quả, chuyển giao vào ứng dụng, Bộ trưởng Bộ KH-CN nói công tác chuyển giao, thương mại hóa, đưa vào ứng dụng không phải là nhiệm vụ chính của các nhà khoa học mà là các đơn vị trung gian kết nối các trường, viện và doanh nghiệp.
"Hiện nay, Nhà nước cũng tạo cơ chế, chính sách khuyến khích làm sao ngày càng nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao từ trường, viện ra ngoài xã hội. Tất nhiên, để làm điều đó thì hiện nay cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc phải tháo gỡ, cụ thể như Nghị định 70 quản lý sử dụng tài sản công, luật Sở hữu trí tuệ... ", ông Đạt nói cho biết, tới đây Bộ KH-CN sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh thích hợp tạo thuận lợi cho sự chuyển giao các nghiên cứu từ trường, viện ra ngoài xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước...
Tín hiệu báo hết thời gian trả lời của Bộ trưởng Bộ KH-CN vang lên. Thấy ông Đạt chưa trả lời hết nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục "nhắc bài", nói đại biểu Lê Thanh Vân còn đặt vấn đề giải pháp để KH-CN bứt phá, đặc biệt là trong quản lý nhà nước...
Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói có nhiều giải pháp. Trước tiên là giải pháp đầu tư cho nghiên cứu KH-CN và đổi mới sáng tạo. Theo ông, đầu tư ở đây gồm kinh phí nguồn lực và cơ chế để làm sao nhà khoa học có điều kiện, thứ hai là có tâm thế để sẵn sàng cống hiến cho khoa học.
"Đội ngũ khoa học của chúng ta hiện nay, tôi rất tin tưởng. Năng lực của các nhà khoa học nước ta nếu đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thích hợp sẽ phát huy năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học...", Bộ trưởng Bộ KH-CN nói.
Tranh luận sau 20 phút giải lao, đại biểu Lê Thanh Vân nói không tranh luận với Bộ trưởng Bộ KH-CN với câu trả lời thứ nhất, vì bộ trưởng đã rất cầu thị, nhận ra công tác thống kê của ngành mình như vậy là chưa đạt.
Tranh luận về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ KH-CN với câu hỏi thứ 2, ông Vân nói, theo ông "điểm kích nổ" trong chính sách để bứt phá về KH-CN chính là nhân tài.
"Chỉ nhân tài KH-CN mới làm thay đổi diện mạo KH-CN Việt Nam, đóng góp phát triển kinh tế, năng lực phòng thủ quốc gia. Nếu không có công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ thua xa các nước, trước hết là các nước bên cạnh", ông Vân nói.
Theo ông, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thì thứ tự ưu tiên trong lựa chọn chính sách "kích nổ" phải là nhân tài, trí tuệ nhân tài, công nghệ thông tin... "Tôi xin gợi ý bộ trưởng một số vấn đề như vậy", ông Vân nói.
Bình luận (0)