Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Sớm bỏ chứng chỉ 'hành' viên chức

18/11/2019 07:51 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi trả lời chất vấn cũng như trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội đều khẳng định Bộ Nội vụ sẽ sớm sửa đổi quy định về các loại văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đang làm khổ viên chức hiện nay.

 

Chứng chỉ sẽ không còn là gánh nặng

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết bản thân ông cũng “cảm thấy rất phiền hà về các loại văn bằng, chứng chỉ” và giải thích, quy định về các loại văn bằng, chứng chỉ đối với công chức, viên chức đã có từ năm 1993 chứ không phải do Bộ Nội vụ đặt ra. Tuy nhiên, ông Tân thừa nhận từ năm 1993 đến nay đã hai mươi mấy năm thì cần phải sửa. “Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này. Một quyết định mà để hơn hai chục năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà”, ông Tân nói và cam kết: Năm 2020, sau khi luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực, thì sẽ sửa ngay để thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ hồ sơ thủ tục nào.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, bất cập trong các quy định văn bằng, chứng chỉ hiện nay là chưa phân được loại nào là cần, loại nào là đủ mà gom hết lại. Bên cạnh đó, dẫn ví dụ yêu cầu về tiêu chuẩn tin học, ngoại ngữ, ông Tân cho biết các nghị quyết 18, 19 của T.Ư đã nói rõ là tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ phù hợp với từng vị trí việc làm, tuy nhiên hiện nay quy định bằng cấp tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng công chức, viên chức lại “cào bằng” như nhau. “Sắp tới, chúng ta sẽ thực hiện vấn đề hậu kiểm là chính chứ không đòi phải cung cấp cái này, cái kia”, ông Tân nói và cho biết trước mắt, như việc thực hiện các quy trình tuyển dụng viên chức theo Nghị định 161 của Chính phủ sẽ sửa đổi theo hướng các kỹ năng tin học, ngoại ngữ có thể thi bằng các bài thi trắc nghiệm trên máy tính để đánh giá thực chất chứ không cần phải có chứng chỉ.

Quan trọng là thực tiễn anh có sử dụng được máy tính, có nói được tiếng Anh không?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tân cũng cho biết trong đề án vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức mà Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức T.Ư đang xây dựng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học sẽ được quy định cho phù hợp với từng vị trí chứ không cào bằng như hiện nay. “Tôi xin hứa với đại biểu Quốc hội sau khi luật Cán bộ, công chức sửa đổi được thông qua, chúng tôi sẽ sửa các quy định để chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, mà đi vào thực chất, quan trọng là chúng ta có đạt được trình độ để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình hay không”, Bộ trưởng Tân nói.

Kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất cả nước

Về đổi mới phương thức tuyển dụng công chức trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị T.Ư 7 khóa XII, sắp tới Bộ Nội vụ đang chuẩn bị trình Chính phủ đề án về kiểm định chất lượng đầu vào với công chức, viên chức. Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì thực hiện việc thành lập các trung tâm, tổ chức kiểm định và thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức, viên chức trên phạm vi cả nước và theo khu vực, ngành nghề. Các ứng viên sau khi đã được chứng nhận chất lượng đầu vào thì cơ quan tuyển dụng công chức, viên chức chỉ cần phỏng vấn xem có phù hợp với vị trí việc làm hay không. “Như vậy sẽ yên tâm hơn về chất lượng”, ông Tân khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay kiến thức chuyên môn lúc này sẽ do các trường đào tạo chịu trách nhiệm. Các trung tâm, tổ chức được giao nhiệm vụ kiểm định sẽ chỉ kiểm tra khả năng thực tế của các ứng viên. “Quan trọng là thực tiễn anh có sử dụng được máy tính, có nói được tiếng Anh không? Còn sau khi anh đã được chứng nhận chất lượng đầu vào, cơ quan tuyển dụng của các bộ, ngành địa phương chỉ cần phỏng vấn về chuyên môn theo từng vị trí việc làm”, ông Tân giải thích.
Bộ trưởng Tân cũng cho rằng hướng sửa đổi này là phù hợp với kinh nghiệm của các nước tiên tiến. “Nước ngoài họ rất thực tiễn. Họ không cần văn bằng chứng chỉ gì đâu mà họ thông qua phỏng vấn để xác định người này ở vị trí tương xứng có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Cái quan trọng họ đánh giá được năng lực, trình độ, ước mơ của công chức đó là gì. Như vừa rồi tôi đi Pháp có tham dự một buổi phỏng vấn thấy rất hay. Người ta có hỏi chuyên môn đâu, bởi vấn đề đó nhà trường đã dạy rồi. Người ta hỏi về nguyện vọng và lý do vì sao lại chọn công việc này”, Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.