|
Nợ công tăng nhanh
Bộ trưởng Dũng nói: “Bội chi ngân sách của nước ta ở mức cao, cùng với việc thúc đẩy nhanh giải ngân ODA khiến nợ công đã tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỉ lệ so với GDP”.
Theo báo cáo của người đứng đầu Bộ Tài chính, dự kiến nợ công đến cuối năm 2015 tiến sát giới hạn cho phép được QH phê duyệt. Theo quy định, giới hạn cho phép đối với nợ Chính phủ và nợ Quốc gia là 50% GDP, nợ công là không quá 65% GDP. Ông Dũng cũng nhìn nhận cơ cấu nợ chưa thật sự bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết về sử dụng tiền vay thì chúng ta vay về để đầu tư là 98,1%; vay hoàn vào ngân sách là 1,4% và vay chi cho sự nghiệp là 0,4%. Các tồn tại và hạn chế khác làm tăng áp lực nợ công được Bộ trưởng nêu ra là: Áp lực huy động vốn hàng năm lớn, chi phí huy động vốn cao, mặc dù đã có xu hướng giảm trong hai năm gần đây.
Việc sử dụng các khoản vốn vay ngắn hạn cho các đầu tư dài hạn phát sinh rủi ro, làm cho nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, tạo áp lực cho bố trí nguồn trả nợ. Nghĩa vụ trả nợ của ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng nhanh...
Một số dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài không hiệu quả, không trả được nợ, làm phát sinh nghĩa vụ nợ dự phòng hoặc phải tái cơ cấu lại tài chính, chuyển sang cơ chế Nhà nước đầu tư vốn. Điều này làm tăng nghĩa vụ chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ.
Ngoài ra, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án trong việc quản lý, tổng hợp, báo cáo nợ công chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập, quản lý nợ của địa phương chưa chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý trong việc vi phạm.
“Tuy nhiên trong những điều kiện khó khăn như thế chúng ta vẫn phải tiếp tục đầu tư và đầu tư mạnh hơn để dứt điểm một số công trình, dự án dở dang và cân nhắc, tính toán phát hành thêm trái phiếu Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Tiết kiệm chi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để giảm nợ công
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, mặc dù nợ công đang tăng nhanh nhưng chúng ta đã đảm bảo trả đầy đủ, kịp thời nợ đến hạn và không phát sinh nợ xấu. Đồng thời, cơ cấu các khoản nợ vay trong nước tăng góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay nước ngoài và giảm rủi ro về tỉ giá.
|
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng báo cáo các giải pháp nhằm điều chỉnh cơ cấu ngân sách Nhà nước vững chắc, đảm bảo an ninh tài chính Quốc gia, trong đó, có trình QH thông qua dự án Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Nợ công sửa đổi để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với nợ công.
Đặc biệt, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chống thất thu, gian lận thương mại, buôn lậu, chuyển giá,… để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước ổn định và bền vững.
Ông Dũng cũng cho biết Chính phủ cũng sẽ triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, chống lãng phí, tham nhũng trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Việc chi đầu tư phát triển sẽ phải phân bổ tập trung, sử dụng có hiệu quả, ưu tiên các công trình phát triển hạ tầng trọng điểm đất nước. Song song đó là phát triển thị trường tài chính, trái phiếu trong nước và cơ cấu lại các khoản nợ công.
Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH có nhiều ý kiến phát triển kinh tế để giảm gánh nặng nợ công. Trong đó, tập trung đề nghị Chính phủ cần tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh; có chính sách phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ làm linh hồn của nền kinh tế tự chủ, bền vững; có chính sách hỗ trợ nông dân, giải quyêt “điệp khúc” được mùa mất giá, tăng cường công tác dự báo thị trường.
Nguyên Mi
>> Quốc hội sẽ nghe báo cáo thẩm tra về dự án sân bay Long Thành
>> Tránh lệ thuộc vào vốn ODA
>> Chính phủ đề xuất huy động 47.859 tỉ đồng vốn ODA xây dựng sân bay Long Thành
>> Cơ chế ‘xin - cho’, nguồn gốc của núi nợ công
>> Kiểm soát chặt nợ công, kéo giảm nợ xấu
>> Thiết lập lại kỷ cương, kỷ luật trong thu chi ngân sách
Bình luận (0)