Bộ trưởng Công an: 'Nhiều tỉnh cả ngày không có một vụ phạm pháp hình sự nào'

15/09/2022 14:50 GMT+7

Cho rằng công tác phòng, chống tội phạm năm 2022 tốt hơn những năm trước nhiều, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng những góp ý của Ủy ban Tư pháp "cũng rất quan trọng nhưng thiếu toàn diện".

Ngày 15.9, tiếp tục phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng 2022.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu ý kiến tại phiên họp

gia hân

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đánh giá năm 2022 công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong tình hình có nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp.

Ông Lâm dẫn chứng năm giảm được gần 10% tội phạm, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5% và nhiều năm liên tục đều vượt.

“Chúng tôi theo dõi trên toàn quốc, nhiều tỉnh cả ngày không có một vụ phạm pháp hình sự nào. Hôm trước, tôi làm việc với Tuyên Quang, các đồng chí nói tổng kết 9 tháng năm 2022 chỉ có khoảng 200 vụ phạm pháp hình sự, tức là khoảng 160 ngày không có vụ phạm pháp hình sự nào thì rất mừng", ông Lâm nói và cho rằng, càng tăng tỷ lệ này lên thì mang rất nhiều ý nghĩa, thậm chí giảm biên chế, giảm cán bộ, giảm trại giam, giảm rất nhiều thứ khác.

Ngoài ra, ông Lâm cũng cho biết các chỉ tiêu khác được Quốc hội giao liên quan tới phòng chống tội phạm "cơ bản đều vượt". "Đây là những điểm rất nổi bật của 2022", ông Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công an nêu rõ, công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng có nhiều bước tiến mới, đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội...

“Ban chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây đã họp kết luận, đánh giá về việc này. Tinh thần này phải được thể hiện trong báo cáo, nhất là báo cáo thẩm tra của Quốc hội phải nêu được vấn đề đó”, ông Tô Lâm nhấn mạnh.

Góp ý quan trọng nhưng thiếu toàn diện

Nhấn mạnh quan điểm "làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, cả một lĩnh vực", Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá tham nhũng, tiêu cực, bước đầu được ngăn chặn. Tuy nhiên, ông Lâm khẳng định, tham nhũng đang ngày càng tinh vi, phức tạp khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi đối phó với tội phạm.

“Mình cứ ra được cái khiên này tội phạm lại có mác khác”, ông Lâm nói.

Từ đó, Bộ trưởng Công an đề nghị báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp điều chỉnh, chỉnh sửa theo hướng "rất toàn diện như vậy”.

Theo ông Lâm, "những góp ý trong báo cáo thẩm tra về một số vụ việc cụ thể cũng rất quan trọng nhưng thiếu toàn diện".

“Năm 2022, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tốt hơn những năm trước nhiều”, ông Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh, đồng thời khẳng định công tác này không làm cản trở những việc này mà “phục vụ rất tốt cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

“Tất nhiên, đúng là có một số vụ việc còn tồn tại, như đình chỉ vụ án, chúng tôi cho rằng đó là việc rất thông thường, luật pháp cho phép, không phải đình chỉ là ám chỉ đó là oan, sai. Chúng ta phải có quan điểm nhận định thống nhất”, ông Tô Lâm nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại hội nghị

gia hân

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, cho biết khi làm báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp đã rất thận trọng, mỗi một đánh giá, nhận định đều có chú thích (footnote) kèm theo, đồng thời cân đối giữa phần khen - chê.

“Trong báo cáo này, ngồi nhìn lại thì chủ yếu là khen, phần tồn tại, hạn chế, phần chê rất ít nhưng các đồng chí vẫn tiếp tục có góp ý cho báo cáo thẩm tra, chúng tôi xin ghi nhận các ý kiến này. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm, Ủy ban Tư pháp đứng ở giữa và phải tham mưu cho các đại biểu Quốc hội biết ưu điểm, hạn chế của hoạt động tư pháp thời gian qua là gì, căn cứ vào đâu nói có hạn chế đó”, bà Nga nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tội phạm do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga trình bày đánh giá, năm 2022, công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn; thể chế, cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực ngày càng được hoàn thiện, khắc phục được nhiều sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng; công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu.

Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá, Chính phủ đã chủ động dự báo và triển khai toàn diện các biện pháp phòng, chống tội phạm trong và sau dịch Covid-19, qua đó kéo giảm 9,75% số vụ phạm tội về trật tự xã hội; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều cơ bản được khẩn trương điều tra làm rõ; công tác phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng có bước tiến mới, trong đó phát hiện, xử lý một số vụ án trong lĩnh vực có chuyên môn sâu (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...) góp phần cảnh tỉnh, răn đe tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững…

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người, lừa đảo, tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tham nhũng... Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả cao.

Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Cạnh đó, vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam tuy giảm, nhưng còn diễn biến phức tạp…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.