Chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh sáng 4.6, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) nói, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là khu vực ĐBSCL, cát biển được xem là một phương án có thể tìm kiếm.
Tuy nhiên, việc sử dụng đại trà cát biển trong xây dựng sẽ là một sự liều lĩnh nguy hiểm tác động tới môi trường, khi hàm lượng muối trong cát biển có ảnh hưởng hay không? Có ý kiến cho rằng việc thay cát biển cho cát sông không khác gì mang mặn vào giữa cánh đồng, trũng, cao trình thấp, nền đất yếu, nhất là bối cảnh xâm nhập mặn như hiện nay.
Bộ trưởng có giải pháp gì cả về lâu dài và trước mắt, vừa giải quyết tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, vừa bảo vệ được môi trường?
Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh cho hay, hiện việc sử dụng cát làm vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là các dự án cao tốc, đang rất khó khăn.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TN-MT cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển. Tới nay, hội đồng đánh giá thuộc dự án thí điểm của Bộ GTVT (về việc sử dụng cát biển trong san lấp và xây dựng đường giao thông) nhận định rằng, cát biển có thể dùng trong san lấp và thi công đắp nền đường K95.
Vừa qua, Bộ TN-MT hoàn thành xong đề án đánh giá trữ lượng cát biển ở tỉnh Sóc Trăng. Tính riêng số lượng cát có thể lấy ngay được, trữ lượng rơi vào khoảng 145 triệu m3, cách bờ gần 20 km, thân mỏ sâu khoảng 7 m.
Tuy nhiên, để hạn chế tác động tới môi trường, Bộ TN-MT có khuyến cáo việc khai thác nguồn cát biển chỉ nên dừng ở mức sâu 2 m.
"Trữ lượng cát biển của ta rất lớn", ông Khánh nhận định và cho biết trên thực tế, cát biển hiện đã được sử dụng san lấp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, dự án ven biển…
Sẽ có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể
Về lo ngại nhiễm mặn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đồng tình với đại biểu, rằng nếu sử dụng cát biển thì phải có đánh giá tác động môi trường; nguyên tắc là không được nhiễm mặn cho môi trường và công trình xung quanh.
Phương án tốt nhất, theo ông Khánh, cát biển nên được sử dụng cho các công trình ở những khu vực đã bị nhiễm mặn. Cạnh đó, tùy theo từng công trình, từng khu vực, việc đánh giá tác động sẽ phải thực hiện kỹ lưỡng trước khi triển khai.
Vẫn theo người đứng đầu ngành TN-MT, trường hợp cát biển được chấp thuận làm vật liệu xây dựng, cơ quan quản lý là Bộ Xây dựng sẽ có quy định cụ thể về quy chuẩn, tiêu chuẩn, xác định sử dụng cát biển như thế nào, công trình gì, ở đâu…
Trước đó, tại phiên chất vấn kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, hồi tháng 11.2023, đại biểu Quốc hội cũng từng đề nghị làm rõ vấn đề sử dụng cát biển để thay cát sông cho các dự án đường cao tốc Bắc Nam có khả thi cao hay không?
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền cho các dự án giao thông, nhất là khu vực ĐBSCL, tháng 3.2023, Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN-MT triển khai thí điểm nghiên cứu, đánh giá, sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.
Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác, gồm Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học và triển khai nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, đặc biệt là thí điểm cát biển tại các công trình giao thông ở ĐBSCL.
Tính đến thời điểm trả lời, sau 5 lần quan trắc và nhiều cuộc họp đánh giá, kết quả bước đầu xác định cát biển đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền cũng như chỉ tiêu kỹ thuật về sức chịu tải, độ ổn định của công trình. Giá trị tương tự như cát sông, chưa có biểu hiện ảnh hưởng đến môi trường, vật nuôi, cây trồng.
"Đây là kết quả rất đáng phấn khởi", ông Thắng nói và cho hay Bộ GTVT đang tiếp tục phối hợp với Bộ TN-MT mở rộng khu vực thí điểm ra các vùng biển khác nhau như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Lập cơ quan điều phối cát toàn vùng ĐBSCL
Trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội nhằm phục vụ cho phiên chất vấn, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh cho hay, bộ này sẽ tập trung thực hiện dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL.
Cùng đó là tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, tối đa khả năng sử dụng cát biển trong xây dựng, giao thông và lĩnh vực khác nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời đẩy mạnh điều tra, nghiên cứu và đánh giá các nguồn nguyên liệu làm cát nhân tạo tại các địa phương có nguy cơ thiếu hụt nguồn cát sông, nhằm đảm bảo tính bền vững về nguồn vật liệu xây dựng trong tương lai.
Đặc biệt, Bộ TN-MT sẽ nghiên cứu lập cơ quan có đủ thẩm quyền điều phối khai thác, sử dụng tài nguyên cát toàn vùng ĐBSCL.
Bình luận (0)