Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Trên bảo dưới làm đi, dưới vẫn cứ chờ vì sợ'

30/10/2023 17:26 GMT+7

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đề cập tới tình trạng phân cấp, phân quyền chưa đến nơi đến chốn, "dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới vẫn chờ vì sợ".

Chiều 30.10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung giải trình về kết quả triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Trên bảo dưới làm đi, dưới vẫn cứ chờ vì sợ' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

QUỐC HỘI

"Không ai sinh ra mà muốn mình nghèo"

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là nhiệm kỳ thứ 2 triển khai chương trình giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, khác với nhiệm kỳ trước, công việc nhiệm kỳ này đòi hỏi cao hơn; trước đã khó nay khó hơn, vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà còn đòi hỏi bù đắp các chiều thiếu hụt theo hướng đa chiều hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn.

Về việc chậm giải ngân vốn, theo ông Dung, bên cạnh những khó khăn nội tại của nhiệm kỳ trước, 2 năm vừa rồi chịu ảnh hưởng nặng nề từ các yếu tố khách quan; nhất là đại dịch Covid-19 và tình hình thiên tai, bão lũ ở các vùng khó khăn, đã khó càng khó hơn, đã nghèo lại bị tác động nhiều hơn.

Bộ trưởng nhìn nhận kết quả thực hiện thời gian qua tuy còn nhiều hạn chế nhưng cho thấy đã có sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự vươn lên của các hộ nghèo, cận nghèo. Cụ thể, các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra đều cơ bản đạt được, cộng đồng quốc tế ghi nhận Việt Nam là điểm sáng, là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện đa chiều, đa chùm, bền vững.

Về một số chương trình mà đại biểu cho rằng còn những chính sách cho không dẫn tới tâm lý ỷ lại của người được hỗ trợ, ông Đào Ngọc Dung nêu quan điểm "không ai sinh ra và lớn lên lại muốn mình nghèo, cũng không ai không muốn thoát nghèo, nhưng chỉ vì chưa có khả năng thoát nghèo, nên nếu còn trong danh sách thì chí ít còn được hưởng các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước".

Ông Dung khẳng định, thời gian qua, chương trình giảm nghèo mà Quốc hội đã thông qua không còn chính sách cho không mà hoàn toàn chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, từ sản xuất đến nhà ở, việc làm.

Đặc biệt là gần đây, nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, chủ động nhường quyền lợi cho người khác. "Khi chúng tôi tiếp xúc, bản thân họ nói rất e ngại khi phải nhận danh hiệu này, tự thấy phải vươn lên, điều này rất đáng biểu dương", ông Dung nói.

Đề cập tới việc tách những hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, hiện nay bộ đã triển khai, đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa ra các tiêu chí để khi tách ra họ có cuộc sống tốt hơn hoặc ít nhất không thấp hơn hộ nghèo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Trên bảo dưới làm đi, dưới vẫn cứ chờ vì sợ' - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

QUỐC HỘI

"Trên bảo dưới làm đi, dưới vẫn chờ vì sợ"

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, qua thực tiễn triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, ông nhận thấy có 4 vấn đề cần khắc phục.

Thứ nhất, các chương trình đã và đang ban hành quá nhiều văn bản, trung bình 60 - 70 văn bản mỗi chương trình. Trong rừng văn bản ấy, cơ quan chuyên trách rất vất vả, dù không muốn nhưng vẫn phải ban hành vì luật đã quy định.

Thứ hai, việc phân cấp, phân quyền thời gian qua chưa rõ, chưa đến nơi đến chốn, dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới vẫn chờ vì sợ, dẫn tới hiện tượng bộ đã có thông tư hướng dẫn nhưng ở dưới vẫn đề nghị hướng dẫn của hướng dẫn.

Thứ ba, việc phân bổ vốn tại các dự án còn nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải; riêng chương trình giảm nghèo đã trên 1.000 dự án khác nhau. Các dự án đều do T.Ư giao vốn chi tiết đến từng nơi, nên việc giao vốn chậm, khó khăn, khi phát hiện điểm không phù hợp thì không được tự điều chỉnh mà phải báo cáo cấp thẩm quyền.

Thứ tư, mục tiêu đặt ra cao, vốn thì ít, trong khi đó yêu cầu địa phương đối ứng vốn, lại càng khó khăn hơn. "Việc giao vốn đã chậm rồi, nhỏ giọt, về địa phương tiếp tục bị chậm nữa. Dồn vào 4 - 5 nguyên nhân như vậy, khâu tổ chức, thực hiện cũng có vấn đề", ông Dung nói.

Để triển khai các chương trình nhanh hơn, hiệu quả hơn, Bộ trưởng Dung kiến nghị Quốc hội cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho cấp huyện được chủ động điều chỉnh, quyết định cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau.

"Đây là những điều theo luật, nhưng vì theo luật nên phải có Quốc hội chấp nhận thì mới làm được", ông nói và khẳng định chỉ có như vậy mới tiến hành nhanh được.

Theo đề xuất của ông Đào Ngọc Dung, trước mắt, mỗi tỉnh chọn 1 - 2 huyện thí điểm. Huyện quyết định toàn bộ; tỉnh chỉ làm nhiệm vụ điều phối, kiểm tra, giám sát; T.Ư kiểm tra mục tiêu, thanh tra, kiểm tra, đánh giá, tổng kết chương trình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.