Bộ trưởng GD-ĐT: Cứ 100 giáo viên lại có 1 người bỏ việc

30/09/2022 21:13 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết thông tin trên tại buổi tiếp xúc cử tri Q.Hà Đông ( Hà Nội ) trước thềm kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV.

Chiều 30.9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tiếp xúc cử tri Q.Hà Đông.

Theo cử tri Đào Văn Phê, một số tỉnh, thành thiếu giáo viên trầm trọng do nguyên nhân chế độ chính sách chưa hợp lý, lương chưa đảm bảo cuộc sống, không được vào biên chế...

Thông tin tới cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, các nguyên nhân khiến thiếu giáo viên như cử tri nêu là đúng nhưng chỉ đúng một phần. Thống kê của ngành giáo dục cho thấy, hiện cả nước thiếu khoảng 100.000 giáo viên trên tổng số 1,6 triệu giáo viên.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp xúc cử tri chiều 30.9

võ hải

Vừa qua, Bộ Chính trị, Chính phủ đã duyệt cho ngành giáo dục từ nay đến năm 2025 sẽ được tuyển trên 64.000 biên chế giáo viên và đáp ứng được một phần quan trọng đối với việc thiếu giáo viên. Riêng năm 2022 được duyệt chỉ tiêu hơn 27.000 giáo viên trên cả nước.

Đáng chú ý, năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000 người/tổng số 1,6 triệu giáo viên. Tính bình quân 100 giáo viên có 1 người bỏ việc, chiếm tỷ lệ 1%. Theo ông Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên.

Thứ nhất, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên nước ta hằng năm vẫn rất cao. Mỗi năm có 300.000 - 400.000 trẻ em được sinh ra, trong khi đó chỉ tính số giáo viên để duy trì lớp học ứng với số tăng dân số tự nhiên là con số đáng kể. Nhưng nhiều năm qua lại không được tuyển thêm chỉ tiêu giáo viên và hằng năm còn giảm biên chế 10%.

Hai là tình trạng thừa thiếu mang tính chất cục bộ, trong đó có một số vùng lao động tập trung về rất đông như các khu vực đô thị, ven đô, công nghiệp dẫn đến nhu cầu lớp học, giáo viên, đặc biệt giáo viên bậc mầm non, tiểu học tăng rất cao. Trong khi một số khu vực đồng bằng, nông thôn số học sinh giảm xuống.

Ba là việc thực hiện chương trình phổ thông mới 2018, lớp học đạt chuẩn với tiểu học không vượt quá 35 học sinh/lớp và THCS, THPT không quá 45 học sinh/lớp. Nhưng ở Hà Nội, đặc biệt các quận, huyện ven đô, tỷ lệ 50 - 60 học sinh/lớp là bình thường, dẫn đến thiếu giáo viên nếu tính theo tỷ lệ tiêu chuẩn.

Ngoài ra, trong chương trình phổ thông mới 2018 cũng đặt việc triển khai thời gian dạy không chỉ một buổi mà 2 buổi và đạt mục tiêu phổ cập mầm non 5 tuổi. Các mục tiêu này muốn thực hiện đều cần lực lượng giáo viên rất lớn.

Ngoài ra, chương trình cũng muốn trang bị cho học sinh những phẩm chất, năng lực, kỹ năng mới nên có thêm một số môn học như tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật, âm nhạc... nên cần bổ sung lượng giáo viên.

Riêng khối mầm non, theo ông Sơn, một số tỉnh có chỉ tiêu nhưng không tuyển được vì không có nguồn hay có nguồn nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác để có thu nhập cao hơn.

Nguyên nhân do việc dạy trẻ mầm non rất vất vả, vừa dạy vừa dỗ, chăm sóc "áp lực rất cao, camera quay suốt, bố mẹ theo dõi từng giờ, từng phút..., trong khi thu nhập lại thấp nhất, người mới vào chỉ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng.

Về giải pháp, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Tổ chức T.Ư cho tăng chỉ tiêu biên chế nhưng đang giải quyết được một phần. Muốn giải quyết cần có nguồn và ngành đang thực hiện cơ chế đặt hàng. Trong đó, các trường sư phạm phải tính toán số chỉ tiêu sinh viên đào tạo để đủ nhu cầu các tỉnh, thành, đặc biệt giáo viên các môn học mới.

Đồng thời, khuyến khích dùng ngân sách địa phương thông qua quyết định của HĐND để có thể giải quyết việc ký hợp đồng với giáo viên...

Hiện, lực lượng giáo viên chiếm đến gần 70% tổng số công chức, viên chức nên việc nâng lương không thể một sớm một chiều giải quyết được. Vì thế, trước mắt, ngành đang tập trung cải thiện môi trường làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn với tinh thần hỗ trợ tối đa... để giúp giáo viên yên tâm công tác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.