Bộ trưởng GD-ĐT: Giáo viên mầm non bỏ việc nhiều nhất, cần ‘chăm sóc' nhất

22/11/2022 19:02 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong số 16.000 giáo viên bỏ việc năm 2022 thì giáo viên mầm non chiếm tỷ lệ cao nhất (40%). Do đó, đây là lực lượng "cần chăm sóc" nhiều nhất về chế độ, chính sách , điều kiện làm việc...

Giáo viên mầm non là lực lượng cần chú ý chăm sóc nhiều nhất

Phát biểu kết thúc hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều nay 22.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định giáo dục mầm non có vị trí quan tâm đặc biệt đối với cá nhân ông nói riêng và lãnh đạo bộ nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định GV mầm non là lực lượng cần chú ý chăm sóc nhiều nhất

nGUYỄN mẠNH

“Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ mầm non, đổi mới và gia tăng chất lượng mầm non thể hiện việc chăm lo con người phải bắt đầu từ mầm non. Đây vừa là vấn đề thuộc về khoa học, vừa thuộc về nhận thức, tình cảm lương tri: dành những gì tốt nhất dành cho trẻ em”, ông Sơn nhấn mạnh.

Chia sẻ “có quá nhiều việc phải làm” với giáo dục mầm non, ngoài xây dựng chương trình, theo ông Sơn đó là cần chuẩn bị về đội ngũ. Việc chuẩn bị đội ngũ không phải chờ chương trình ban hành mới bắt đầu mà phải tiến hành ngay trong quá trình chuẩn bị chương trình với sự tham gia đóng góp của giáo viên (GV) trực tiếp đứng lớp; chuẩn bị đào tạo mới, đào tạo lại, tập huấn GV song song với quá trình xây dựng chương trình giáo dục mầm non.

Khi chuẩn bị về đội ngũ GV thì phải tính đến chính sách cần có, chính sách cần kiến nghị chính phủ, chính sách mà thẩm quyền của Bộ GD-ĐT có thể điều chỉnh được.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng GV mầm non là lực lượng cần chú ý chăm sóc nhiều nhất. Trong số 16.000 GV nghỉ việc, bỏ việc, chuyển việc năm qua thì GV ở bậc mầm non là cao nhất so với các cấp học khác. Nguyên nhân có thể kể đến yếu tố về đồng lương, về sức ép công việc, điều kiện làm việc…

Đề xuất xếp lương bậc 2 cho GV mới tuyển dụng

Báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) tại hội thảo cũng đưa ra một loạt kiến nghị về chính sách với GV mầm non, trong đó nêu chi tiết về vấn đề lương và phu cấp cho đội ngũ này.

Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Cụ thể, xếp lương bậc 2 cho GV mới tuyển dụng vào ngành giáo dục như đề xuất của Bộ GD-ĐT với Chính phủ về chính sách tiền lương mới cho nhà giáo. Đối với GV hợp đồng, đảm bảo mức lương không thấp hơn mức lương trung bình của doanh nghiệp cùng khu vực; được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên như GV trong biên chế; được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nêu thực tế hiện nay GV mới vào nghề từ 1 đến 5 năm thì lương bình quân là 5 triệu đồng. Trong khi ở các tỉnh có khu công nghiệp, chế xuất thì một người lao động phổ thông bình thường cũng có mức thu nhập cao hơn như vậy. Đó cũng là thực trạng khiến GV mầm non nghỉ việc nhiều.

“Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiên trì đấu tranh cho lương GV, tới đây theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GD-ĐT sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ để nâng lương cho GV”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ đề xuất Chính phủ phương án quy định mức phụ cấp đối với GV mầm non theo hướng nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với GV mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; GV mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100% (với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200 nghìn GV mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh).

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể về kinh tế- xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ GV của địa phương (hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ về nhà công vụ, hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ…); đồng thời, xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút GV về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho GV trong quá trình công tác. Có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 22.11

nguyễn mạnh

Không tinh giản biên chế với cấp học mầm non, tiểu học

Cho rằng việc thực hiện tinh giản biên chế hiện nay đang thực hiện một cách cào bằng, vùng thuận lợi cũng như vùng khó khăn, Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp.

Trước mắt xem xét không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học (do chưa bố trí đủ GV theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều GV đứng lớp trong bối cảnh tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao).

Đồng thời xem xét không tinh giản biên chế 10% “cào bằng” giữa các vùng, miền trong cả nước. Có thể tính đến điều kiện vùng, miền trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Đối với vùng thuận lợi, tỷ lệ tinh giản biên chế có thể nhiều hơn 10% và đối với vùng khó khăn, tỷ lệ tinh giản biên chế có thể dưới 10%.

Rà soát thực hiện biên chế, tinh giản biên chế, trong đó xác định chỉ tiêu giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước từng năm, bảo đảm thực hiện nghiêm tinh thần về tinh giản biên chế nhưng bảo đảm đủ số lượng người làm việc để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Các địa phương cũng cần phải tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao chưa sử dụng (không để dành chỉ tiêu để cắt giảm 10% cho việc thực hiện tinh giản biên chế một cách cơ học). Tuyển dụng hết số biên chế GV đã được giao.

Để giải quyết tình trạng thiếu GV nhưng không có nguồn tuyển, Bộ GD-ĐT còn cho biết trình Chính phủ đề xuất cho phép các địa phương được tuyển dụng/hợp đồng GV đủ điều kiện nhưng chưa đạt chuẩn đào tạo theo luật Giáo dục năm 2019; đồng thời đề ra lộ trình đào tạo nâng chuẩn cho các đối tượng theo lộ trình của Nghị định 71.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.