Bộ trưởng GD-ĐT: Phải thể chế hóa chủ trương 'lương giáo viên cao nhất'

07/05/2024 17:46 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng phải thể chế hóa chủ trương 'lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp' một cách bền vững khi xây dựng luật Nhà giáo.

Sáng 7.5, tại Hà Nội, ban soạn thảo, tổ biên soạn dự án luật Nhà giáo đã họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

MOET

Thảo luận các nội dung liên quan trong dự thảo luật Nhà giáo, các đại biểu bày tỏ sự thống nhất về sự cần thiết, cấp bách của việc ban hành luật. Các đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về nguyên tắc, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo; đề nghị làm rõ vấn đề tôn vinh, đãi ngộ, chính sách tiền lương, chế độ làm việc, vấn đề bảo vệ nhà giáo.

Các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến đối với các quy định liên quan đến việc tuyển dụng, quản lý nhà nước đối với nhà giáo; chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; kế hoạch, lộ trình, công tác truyền thông chính sách liên quan đến việc xây dựng luật…

Theo tường thuật của Trung tâm truyền thông (Bộ GD-ĐT), phát biểu tại phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị giao việc tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục.

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh yêu cầu, quá trình xây dựng dự án luật Nhà giáo phải trả lời được câu hỏi "Nhà giáo sẽ được gì khi có luật này?", "Xây dựng luật Nhà giáo phải để phát triển lực lượng nhà giáo".

Về công việc trong thời gian tới, ông Nguyễn Kim Sơn đề nghị việc xây dựng dự án luật Nhà giáo cần thể hiện rõ nét hơn nữa quan điểm phát triển, tôn vinh, bảo vệ nhà giáo.

Đối với vấn đề đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc của nhà giáo, người đứng đầu ngành GD-ĐT yêu cầu ban soạn thảo, tổ biên tập cần thể chế hóa chủ trương "lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp" một cách bền vững.

Về vấn đề quản lý nhà nước đối với nhà giáo, Bộ trưởng đề nghị dự án luật Nhà giáo phải đảm bảo sự quản lý thống nhất trong toàn ngành, thông suốt từ T.Ư đến địa phương để phát triển đội ngũ nhà giáo một cách tốt nhất, từ tuyển dụng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, trên cơ sở đảm bảo vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm của ngành nội vụ cũng như sự phân cấp trong quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.

"Đây là nội dung khó và thách thức nhưng nếu không xử lý được thì sẽ không tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại về tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, sự bất hợp lý về cơ cấu giáo viên giữa các môn học, giữa các vùng miền", ông Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các đơn vị thuộc bộ, một số cơ sở giáo dục nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên đề nhằm tạo diễn đàn thảo luận, góp ý hoàn thiện dự án luật Nhà giáo để trình Chính phủ vào giữa tháng 7 năm nay.

Ngày 7.7.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về xây dựng pháp luật. Trong đó, thông qua đề xuất của Bộ GD-ĐT về đề nghị xây dựng luật Nhà giáo với 5 chính sách nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Ngày 22.4, Tổng thư ký Quốc hội đã có văn bản số 3525/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo kết luận này, luật Nhà giáo sẽ được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.