Bộ trưởng GD-ĐT: Sự tham gia của trường sư phạm vào đổi mới còn rất 'vừa phải'

10/03/2023 18:24 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tốc độ đổi mới ở giáo dục phổ thông đang diễn ra nhanh hơn sự chuẩn bị và sẵn sàng của các trường sư phạm, sự tham gia của các trường sư phạm vào công việc đổi mới này vẫn còn rất "vừa phải".

Cổng thông tin Bộ GD-ĐT mới tường thuật về buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 ngày 9.3.

Bộ trưởng GD-ĐT: Sự tham gia của trường sư phạm vào đổi mới còn rất 'vừa phải'   - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu "đặt hàng" trường ĐH sư phạm về đổi mới giáo dục phổ thông

MOET

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sự quan tâm đặc biệt dành cho khối sư phạm, đồng thời nhấn mạnh vai trò, vị trí hết sức quan trọng của các trường sư phạm trong đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới giáo dục phổ thông.

Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, hệ thống giáo dục phổ thông đang đổi mới từng ngày, phần quyết định quan trọng tới sự đổi mới này nằm ở các trường sư phạm. Sự đổi mới của giáo dục phổ thông cũng sẽ thúc đẩy sự đổi mới của các trường sư phạm. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới ở giáo dục phổ thông đang diễn ra nhanh hơn sự chuẩn bị và sẵn sàng của các trường sư phạm, sự tham gia của các trường sư phạm vào công việc đổi mới này vẫn còn rất "vừa phải".

"Toàn ngành đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó, giải pháp của mọi giải pháp, trọng tâm của mọi trọng tâm, nền tảng của mọi nền tảng là xây dựng, phát triển lực lượng nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm cơ cấu và chất lượng ngày càng được nâng cao. Lấy việc đổi mới đội ngũ làm điểm xuất phát, làm căn cứ, điều kiện cho các đổi mới khác trong giáo dục. Các trường sư phạm tham gia vào xây dựng lực lượng này, do đó có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển ngành, trong triển khai đổi mới giáo dục", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cho rằng, trong tư duy phát triển, nếu các trường đại học nói chung phải lấy nhu cầu phát triển đất nước, xã hội, con người làm định vị và dẫn đường trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, thì trường sư phạm ngoài tầm nhìn ấy còn phải lấy tư duy phát triển của ngành làm tư duy phát triển cho mình, lấy nhịp đổi mới giáo dục làm nhịp đổi mới cho mình, lấy cơ hội, thách thức đổi mới của giáo dục làm cơ hội, thách thức cho mình.

"Làm sao đào tạo sinh viên sư phạm ra trường phải tiếp cận ngay được với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phải trang bị cho sinh viên năng lực sư phạm để truyền tải được chương trình mới, không để sinh viên sư phạm ra trường nhưng vẫn theo cách tiếp cận cũ, vẫn phải tập huấn lại", ông Sơn nói.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng "đặt hàng" Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 một số việc cụ thể với nhiệm vụ này như tăng cường tập huấn giáo viên triển khai chương trình mới; khảo sát hiệu quả thực tế của nhóm giáo viên cốt cán; khảo sát, đánh giá bắt nhịp triển khai chương trình mới của đội ngũ giáo viên, từ đó đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp…

Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở các môn học mới đưa vào thực hiện bắt buộc như tiếng Anh, tin học (ở tiểu học), môn tích hợp (ở THCS), môn âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ... (ở THPT). Ngoài vấn đề thiếu biên chế thì nguyên nhân lớn nhất mà các địa phương phản ánh là không có nguồn tuyển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.