Bộ trưởng GD-ĐT: Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

29/08/2024 11:32 GMT+7

Trong kế hoạch năm học tới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Nâng chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành giáo dục.

Trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT yêu cầu: bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non; bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục, nhất là tại các cơ sở mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới...

Bộ trưởng GD-ĐT: Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học- Ảnh 1.

Bộ GD-ĐT yêu cầu chuẩn bị để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

ẢNH: N.L

Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên.

Chủ động rà soát và phát triển chương trình giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với thực tế triển khai tại các cơ sở giáo dục. Tiến hành rà soát, đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

"Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học", Bộ GD-ĐT yêu cầu.

Bộ GD-ĐT cũng nêu phải chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan. Phân tích, đánh giá và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để phục vụ công tác quản lý chuyên môn và ban hành chính sách dạy và học cấp học phổ thông ở các địa phương, cơ sở giáo dục.

Sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao

Liên quan đến vấn đề đội ngũ, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72 của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực hiện tốt công tác xác định nhu cầu để tuyển sinh, đào tạo sinh viên sư phạm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Triển khai Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2030; nghiên cứu xây dựng các đề án nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2026 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Về ngân sách cho giáo dục, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương thực chi cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng các quy định hiện hành. Tham mưu các cấp, các ngành bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục để chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt tỷ lệ tối thiểu 19% trong tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí) theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.