Chiều nay, 1.11, Bộ GTVT đã công bố quy hoạch đường sắt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, quy hoạch đặt mục tiêu xác định tới năm 2030 sẽ cải tạo các tuyến đường sắt hiện có và làm mới 9 tuyến.
Tàu cao tốc N700s Shinkansen trong một lần chạy thử năm 2018 |
AFP/GEttyimages |
Trong đó, ưu tiên triển khai 2 đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, gồm đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM, ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt mới nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, đặc biệt khu vực Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối TPHCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
“Tới năm 2050 phấn đấu hoàn thành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đồng thời duy trì và nâng cấp tuyến đường sắt hiện có để vận tải hàng hoá và hành khách”, ông Đông cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Đông, đây là lần đầu tiên 5 quy hoạch vận tải (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải) được thực hiện đồng thời, trong đó đánh giá vai trò, lợi thế của từng ngành vận tải. Riêng đường sắt có kết nối với cảng biển lớn, cửa ngõ quốc tế, khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm logistic, kết nối cửa khẩu...
Thông tin thêm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã phê duyệt 3 quy hoạch đường bộ, đường sắt và hàng hải. Riêng quy hoạch đường thuỷ nội địa đã báo cáo Thường trực Chính phủ, Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến hoàn chỉnh dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng với quy hoạch hàng không, hiện đã thông qua hội đồng thẩm định, tiếp thu và báo cáo Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đang thu xếp để Thường trực Chính phủ họp nghe báo cáo.
Xây dựng đường sắt tốc độ cao cạnh tranh hàng không
Đặc biệt, với quy hoạch đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng đường sắt tốc độ cao để cạnh tranh hàng không, còn hàng hải ưu tiên vận tải biển.
“Đường sắt tốc độ cao là điểm mới hoàn toàn, quy hoạch trước đây chưa đưa ra. Trong nhiệm kỳ này, Bộ GTVT sẽ phấn đấu trình Chính phủ báo cáo dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, để báo cáo lên Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, để kỳ tới sẽ tập trung thiết kế, giải phóng mặt bằng. Mục tiêu tới năm 2028 - 2029 sẽ khởi công một số gói thầu trong 2 đoạn tuyến đầu tiên”, ông Thể nói.
Về nguồn vốn thực hiện quy hoạch đường sắt, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, quy hoạch xác định nguồn vốn 240.000 tỉ đồng để cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện hữu, nghiên cứu, xây mới 9 dự án mới đã quy hoạch, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam và TP.HCM - Cần Thơ. Tới năm 2050, ngành giao thông sẽ nâng cấp xây dựng mới và đưa vào khai thác 25 tuyến đường sắt.
Về kết nối đường sắt liên vận quốc tế, sẽ kết nối trước với Trung Quốc qua Hà Khẩu (Lào Cai) và Đồng Đăng (Lạng Sơn). Ngoài ra, ngành giao thông đang phối hợp nghiên cứu đường sắt kết nối Viêng Chăn (Lào) - Hà Nội, kết nối với Campuchia.qua tuyến đường sắt TP.HCM - Bình Phước - Phnompenh.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về kết cấu hạ tầng ngành đường sắt sẽ cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440 km; quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362 km.
Trong đó, triển khai đầu tư 2 đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM), ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối TP.HCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.
Tầm nhìn đến năm 2050: Mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km, trong đó hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP.HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.
Bình luận (0)