Bộ trưởng GTVT: Đang tìm kiếm nguồn ODA xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

22/05/2023 08:09 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết Việt Nam đang đề xuất Nhật Bản tiếp tục cung cấp hỗ trợ nguồn vốn ODA để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt các dự án chiến lược như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

"Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện đang bổ sung các phương án vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Hội đồng Thẩm định nhà nước, sau đó trình Thủ tướng", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima (Nhật Bản) chiều 21.5.

Bộ trưởng GTVT: Đang tìm kiếm nguồn ODA xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

H.THU

Thông tin thêm, ông Thắng cho biết, phương án lựa chọn tốc độ nào, chở hàng hay không chở hàng đều là "các vấn đề rất lớn" cần nghiên cứu kỹ. Bộ GTVT vừa qua đã có đoàn công tác thăm các nước châu Âu như Tây Ban Nha để học hỏi kinh nghiệm làm đường sắt; sắp tới sẽ có đoàn công tác tới Trung Quốc để tìm hiểu về đường sắt tốc độ cao.

Về phương án nguồn vốn, lãnh đạo Bộ GTVT tiết lộ đang tập trung đàm phán với các đối tác liên quan để tìm kiếm nguồn vốn cho dự án, tập trung vào Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể thêm các nước khác.

Theo ông Thắng, Nhật Bản là đối tác số 1 của Việt Nam trong cung cấp các khoản vay ODA triển khai các dự án. Lĩnh vực giao thông chiếm tỷ lệ lớn nguồn vốn hỗ trợ này. Ngoài vốn ngân sách, vốn đầu tư từ doanh nghiệp thì cũng rất cần nguồn vốn ODA trên thế giới. 

"Việt Nam đang đề xuất Nhật Bản tiếp tục cung cấp hỗ trợ nguồn vốn ODA để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng có tính chất chiến lược như đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Quan trọng là huy động nguồn vốn ODA nhưng phải là vốn có ưu đãi đặc biệt thì mới đem lại hiệu quả.

Nguồn vốn ODA ưu đãi sẽ đỡ gánh nặng cho ngân sách quốc gia trong bối cảnh chúng ta đang có nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đang cần sử dụng ngân sách", ông Thắng nói.

Dù vậy, để sử dụng ODA hiệu quả, lo lắng lớn nhất theo lãnh đạo Bộ GTVT là quy trình, thủ tục khiến kéo dài, dẫn tới khoản vay lãi suất ưu đãi có thể trở thành khoản vay lãi suất cao nếu  kéo dài thời gian. 

Trước đó, theo dự thảo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (năm 2019), Bộ GTVT đề xuất đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ chở khách, có tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 58,71 tỉ USD; trong đó, vốn nhà nước chiếm 80%, vốn tư nhân khoảng 20% tổng mức đầu tư. Đường sắt hiện hữu cải tạo để chở hàng.

Tuy nhiên, tư vấn thẩm tra của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đề xuất, tốc độ thiết kế tối đa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là 250 km/giờ để vừa chở khách và vừa chở hàng. Đường sắt hiện hữu được nâng cấp để chở khách liên vùng và tàu hàng container.

Theo thông báo kết luận Văn phòng Bộ GTVT ban hành mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có quy mô lớn, công nghệ, kỹ thuật phức tạp, cần nhiều nguồn lực lớn để đầu tư, là động lực quan trọng để tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội cả nước và được Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng.

Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; cập nhật, bổ sung, nghiên cứu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tập trung vào 2 phương án là làm một tuyến đường sắt mới chỉ chở khách và tuyến đường sắt mới vừa chở khách, vừa chở hàng để so sánh, lựa chọn.

Nhật sẽ hỗ trợ ODA thế hệ mới cho Việt Nam

Chiều 21.5, tại Hiroshima, tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đánh giá cao việc hai bên hoàn thành thủ tục cam kết vốn chương trình ODA thế hệ mới cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 với quy mô 50 tỉ yen.

Dòng ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt sẽ tập trung cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, xây dựng đường sắt đô thị, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và y tế.

Hai thủ tướng cũng đã chứng kiến trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá 61 tỉ yen (khoảng 500 triệu USD) gồm: chương trình hỗ trợ ngân sách ODA thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19, dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.